31/8/2020
Trầm Hương: Một Phó sản Giá trị cao từ Rừng
KS Nguyễn Lương Duyên
Trầm hương hay Gỗ trầm, một sản phẩm thương mại có giá trị rất cao cho kỹ nghệ hương liệu, dược liệu, mỹ nghệ, nghệ thuật chạm khắc tinh xảo và trong nghi lễ nhiều tôn giáo từ lâu đời. Trầm hương là phần nhựa thơm đặc sắc nằm trong gỗ lõi của các cây thuộc chi Dó Aquilaria, tiết ra bao quanh vết thương trong cơ chế bảo vệ đối với tác nhân gây thương tổn do cơ học, côn trùng, nấm gây bệnh… nơi thân gỗ. Với thời gian dài đến vài chục năm, nhựa trở thành trầm. Trị giá sản phẩm từ trầm hương thiên nhiên trên thị trường tại Việt nam, năm 2020, ghi nhận như sau:
Việt nam hiện là thị trường buôn bán trầm hương thiên nhiên quan trọng của thế giới, bên cạnh Trung hoa và Ấn độ, cho nhu cầu tiêu thụ lớn trên thế giới, đặc biệt vùng Trung Đông. Do trị giá quá cao, trầm hương bị săn lùng hầu như cạn kiệt. Để bảo tồn các loài thuộc chi Dó có nguy cơ tuyệt chủng, các nhà lâm học bắt đầu gây trồng chúng thành những vườn rừng hay khuyến khích trồng trong phương thức kết hợp nông lâm. Các nhà sinh học cũng tìm hiểu phương cách gây tạo trầm hương bằng những cách gây cảm ứng sinh lý cho cây Dó để chúng tiết nhựa hình thành trầm hương, song song với việc phân tích sinh hoá toàn diện.
1. Loài cây chính cho Trầm hương Việt: Dó bầu
Trầm hương, với tên gọi phổ biến trong thương mại, là
Agarwood, dựa trên tiếng Hindi, có gốc từ tiếng Phạn aguru. Một tên cũng phổ biến là Aloeswood (không liên quan đến chi Aloe, Lô hội), do gốc từ tiếng Hy lạp. Tại Á châu, nơi xuất phát và tiêu thụ trầm hương thiên nhiên lớn, có tên Chengxiang trong tiếng Hoa, có nghĩa là hương thơm sâu đậm. Nhật bản cũng có tên tương tự Jinko. Cambodia gọi là Khloem chann crassna hay gỗ lõi cây Dó bầu. Lào và Thái gọi trầm hương là may Ketsana. Miến điện gọi là thit Mhwae. Vùng Mã lai-Nam dương trầm hương là Gaharu. Trong ngôn ngữ Ả rập, cả trầm hương và nhựa dầu chưng cất gọi là Oud. Kỳ nam là trầm hương thượng hạng, màu đen bóng vì hàm lượng tinh dầu cao do tích tụ lâu năm và thường thấy ở gốc.
Trong kỹ nghệ dược liệu, trầm hương còn được biết với tên gỗ đại bàng, eaglewood, và phân loại theo màu sắc của trầm (trắng, vàng, đen).
Trầm hương là phó sản rừng, trích từ những loài cây thuộc họ Trầm, Thymelaeaceae. Họ này khá phức tạp, với 50 chi và khoảng 900 loài. Họ được phân nhỏ thành hai họ phụ với nhiều tông (tribe). Chỉ có hai chi thuộc tông Aquilarieae là Aquilaria (Dó) và Gyrinops là có khả năng sinh trầm hương. Việt nam được ghi nhận có 3 loài Dó (trong số 21 loài) chi Aquilaria, trong đó Dó bầu (còn gọi là cây Trầm) Aquilaria crassna, cao 15-20 m, lá 10x3 cm, có khả năng tạo trầm được ưa chuộng nhất. Cây Dó bầu mọc rải trong rừng ẩm thường xanh, từ Quảng Bình tới Phú quốc. Dó bầu là một cây gỗ tạp, gỗ xốp nhẹ và dễ mục, cây khoẻ mạnh thường không có giá trị kinh tế cao. Chỉ khi cây bị thương tích, nhiễm khuẩn chúng
mới sản sinh trầm hương. Gỗ vụn và vỏ thường dùng làm nhang cao cấp.
Trong thiên nhiên cây Dó có trầm hương rất hiếm thấy. Chúng lại không có nhiều, trung bình khoảng một vài cây cho một ha, nơi có phân bố. Theo ước tính của các nhà lâm học Mã lai, chỉ khoảng 1-2 trong 100 cây Dó là có Trầm. Chỉ nhìn bên ngoài rất khó xác định là có trầm hương nhiều ít bên trong gỗ cây. Đây cũng là một nguyên do góp phần việc chặt hạ bừa bãi cây Dó bầu kéo dài lâu nay, dẫn đến tình trạng cây gần như tuyệt chủng trong tự nhiên.
Phân bố hai loài Dó bầu và Dó Malacca:
Ngoài ra còn hai loài Dó Tàu (A. sinensis) phân bố ở Trung hoa và Dó Nam dương, có khi định danh là Gyrinopsis sp (A. filaria) phân bố dọc đai từ Phi luật tân đến Papua New Guinea; cũng cho Trầm, nhưng kém ưa chuộng như Trầm hương Dó bầu
2. Tổng quát Thành phần Hoá học của Trầm hương
Gỗ trầm hương là gỗ thơm giá trị rất cao và có nhu cầu tiêu thụ lớn trong dược liệu cổ truyền, trong những sinh hoạt văn hoá và tôn giáo. Gỗ không dùng trong xây dựng hay đồ mộc. Trước đây giá trầm hương cao khó tưởng do hiếm hoi, nhưng khoảng vài mươi năm nay nhờ ở những tiến bộ trong gây trồng, ở Trung hoa và Đông Nam Á, và nhất là những tiến bộ trong việc gây cảm ứng sinh lý nhân tạo để kích thích cây tiết nhựa trầm, giá cả có phần hợp lý hơn tuy vẫn còn rất cao. Song song với gây trồng, sự hiểu biết về hoá chất của trầm hương cũng sâu hơn. Hiện tại, các nhà hoá thực vật đã xác định có hơn 300 hợp chất cây Dó sản xuất trong quá trình tạo trầm hương
Các lớp hoá chất chính và tỉ lệ trong trầm hương:
Cho đến gần đây việc đánh giá phẩm chất (do đó trị giá) của Trầm hương vẫn dựa trên kinh nghiệm nhà nghề cá nhân, qua việc nhìn, ngửi, nếm, thả chìm, đốt. Hiện nay việc phân tích thành phần những chất biến dưỡng của trầm hương, thu được từ tự nhiên và từ phương pháp gây cảm ứng nhân tạo, cho thấy chúng có liên hệ với phẩm chất trầm. Thành phần chính của nhựa Trầm hương là một hỗn hợp của hai lớp chính hoá chất: khoảng 70 loại Sesquiterpenes (có khung cấu trúc hình A) và khoảng 40 loại 2-(2-phenylethyl) chromones (PECs), hình B bên trên. Một điều thú vị là tỉ lệ giữa các sesquiterpenes và có vài sesquiterpenes là đặc trưng cho từng loài. Kỳ nam có vài chromones không thấy ở trầm khác.
Một vài sesquiterpenes có trong đa số trầm hương:
Các PEC và các dẫn xuất là nguồn của mùi thơm đặc trưng, ngào ngạt và lưu luyến, khi đốt trầm. Các chất này chỉ trích được qua hoà tan với các dung môi, không trích được bằng chưng cất hơi nước. Có khoảng 17 PEC có thể dùng làm tiêu chuẩn phân hạng cho trầm dựa trên sinh hoá.
Hai PEC chính thấy trong các mẫu trầm hương từ nhiều nguồn:
3. Lộ trình (pathway) sinh lý tổng hợp Trầm hương
Trầm hương hình thành do cơ chế tự vệ của cây Dó Aquilaria phản ứng với những thương tổn sinh học hay phi sinh học gây nên. Các thương tổn sẽ kích hoạt tiến trình sinh tổng hợp và tích tụ nhựa trầm. Quá trình hình thành sesquiterpenes được khởi đầu với cation Ca.2+ gởi những tín hiệu tự vệ qua hydrogen peroxide H₂O₂, ethylen (ET), acid jasmonic (JA), acid salicylic (SA). Những chất tiền khởi của các terpenoids bắt nguồn từ hai lộ trình: MVA, acid mevalonic, trong cytosol (bào tương và vi thể) và MEP, methylerthritol phosphate, trong plastid (lạp thể). Trong pha cuối các enzymes tạo nên sự đa dạng của thành phần trầm hương.
Sơ đồ lộ trình sinh lý tổng hợp các sesquiterpenes trầm hương như sau:
Một nhóm chất chính thứ nhì của Trầm hương, các Chromones, PECS, được cho là có tính chất điều khí (qi), trị liệu hay trợ giúp trong lãnh vực miễn nhiễm, kháng viêm, ung bướu, tiểu đường, thần kinh, tâm thần, nhiễm khuẩn hay siêu vi; được dẫn xuất từ benzopyram đa vòng.
Hiện chưa có những khảo cứu chi tiết về các lộ trình sinh hoá ở mức tế bào của nhóm này, nhưng các nhà sinh hoá cho rằng chúng được dẫn xuất từ nhiều lộ trình sinh học liên quan tới pentaketide, acid shikimic, gắn thêm những gốc nitrogen từ các amino acids. Nhóm này chắc chắn đang được khảo cứu ở nhiều viện nghiên cứu, về nhiều mặt, nhất là quá trình sinh tổng hợp ở mức độ phân tử.
4. Kích thích nhân tạo cây Dó để tạo Trầm hương
Việc tạo những thương tổn có chủ ý để kích thích phản ứng tạo trầm hương nơi cây Dó, Aquilaria, tóm lược như sau:
• Nhờ yếu tố thiên nhiên, như sét đánh, cành gẫy, thú phá hại, nhiễm côn trùng, nấm bệnh.
-Nguyên tắc: có vết thương để tác nhân gây bệnh xâm nhập và kích hoạt hệ thống tự vệ của cây.
-Nhược điểm: không lâu bền, bất định, thu hoạch rất thấp. Cần thu hoạch trên diện rộng, cần nhiều cây trong tự nhiên.
-Lợi điểm: trầm hương có thể có phẩm chất cao, không cần trồng và chăm sóc, quản lý
• Phương pháp phổ biến, gây tổn thương bằng chém, đốt, đục, đẻo thân, mé nhánh, lột vỏ, đóng đinh…
-Nguyên tắc: tạo vết thương để cây kích hoạt tiến trình tiết nhựa trầm.
-Nhược: cần nhân lực quản lý, cần thời gian dài mới có thể thu hoạch trầm hương, phẩm chất không ổn định, trầm thường chỉ có ở nơi cây bị thương tổn.
-Lợi: ít phí tổn.
• Phương pháp gây bệnh cây bằng vi khuẩn, một số dòng Aspergillus, Chaetomium, Fusarium, Laisiodiplodia, Penicillium, Xylaria
-Nguyên tắc: cấy những dòng khuẩn vào Aquilaria, bắt chước cách nhiễm bệnh tự nhiên.
-Nhược: thời gian ủ bệnh, thời gian tạo trầm dài, tốn nhiều công sức khoan lỗ, và thu hái, phẩm chất trầm không đồng đều.
Lợi: các dòng khuẩn có thể nuôi cấy tương đối dễ dàng số lượng nhiều, các dòng khuẩn thiên nhiên gây bệnh cây cỏ thường an toàn cho người, ít gây xáo trộn môi sinh.
• Dùng hoá chất gây cảm ứng, hormone thực vật, muối, khoáng chất…như muối ăn, H₂O₂, acid formic, sản phẩm thị trường Agar wit, CA kit…Đây là hướng tạo trầm được chú ý nhiều hiện nay.
-Nguyên tắc: Kích hoạt hệ tự vệ của cây bằng hoá chất hay bằng các phân tử khơi mào cho lộ trình tạo trầm
-Nhược: có nguy cơ gây tổn hại sức khoẻ cho người và thú và môi sinh, cần liều lượng thích hợp mới có tác dụng đáng kể.
-Lợi: thời gian thu hoạch nhanh, sản lượng khá, đều đặn, phẩm chất khá cao; áp dụng trên quy mô rộng dễ, có thể gây kích hoạt tạo trầm trên toàn bộ cây.
Những biện pháp trên dựa vào những hiểu biết về lộ trình tạo các sesquiterpene. Lộ trình tạo PEC không được biết rõ ràng, chỉ có một chỉ dấu (nhưng cũng chưa thật rõ ràng) là dùng muối ăn để tác động tới độ mặn vùng cây gỗ bị tổn hại như một chất khởi mào.
Để có thể gây tạo trầm hương hiệu quả và bền vững, việc gây trồng cây Dó thành những đồn điền là bước xây dựng đầu tiên. Dó bầu là loài chịu bóng rập, mọc vùng nóng ẩm. Hạt mất năng lực nẩy mầm rất nhanh sau khi quả khai, vì vậy cần gieo sớm khi thu hoạch vì không thể tồn trữ hạt.
Cây trồng tăng trưởng nhanh, sau 5 năm đường kính ngang vai đạt trên 10cm, và sẵn sàng cho việc kích thích tạo trầm hương.
Trầm có thể được tạo ra ở khắp các phần của thân cây, từ gốc lên đến cành trên cao.
Tiến trình tạo trầm do những tế bào chuyên hoá trong gỗ, có thể có liên quan đến cấu tạo của các bó libe-lạc rải rác trong thân gỗ (islands of included- phloem, interxyliare phloem). Như đã đề cập bên trên, trầm là một hỗn hợp phức tạp bao gồm các sesquiterpenes, các chromones, acid béo, và hợp chất phenol. Số lượng loại terpenoids của trầm rất nhiều, hơn 70 và vẫn tiếp tục tìm được loại mới, đã tạo cho trầm hương một đặc tính mùi hương đặc sắc, chưa thể bắt chước tổng hợp nhân tạo được. Một vài terpenoid tiêu biểu: agarofurane, cadinane, valencane, guaiane, prezizane…
5. Công dụng của Trầm hương
Bên cạnh việc được đốt xông trong nhiều nghi lễ tôn giáo trang trọng khắp thế giới, Trầm hương còn được sử dụng như một dược liệu cao cấp.
Dựa trên tài liệu cổ, GS Đỗ tất Lợi trong quyển cây thuốc VN, ghi nhận đặc tính trị liệu của trầm hương chủ về cường tráng, bệnh đường hô hấp và tiêu hoá.
Website Vietnam Agarwood, 2014, liệt kê công dụng của Trầm hương, tổng quát như sau:
-Dược tính: trợ lực, cải thiện lãnh cảm tình dục, lợi tiểu, chữa kinh phong, chữa hen suyển, chữa nhiễm trùng, chữa đầy hơi. Trầm hương cũng có tác dụng trợ giúp trong chữa trị rối loạn thần kinh, rối loạn tiêu hoá, rối loạn hô hấp, thuỷ đậu, viêm thấp khớp, bệnh hậu sản, ung bướu phổi và dạ dày, kiệt sức, đau nhức toàn thân, sơ gan.
- Hương liệu: hai thương hiệu Yves Saint Laurent và Amouage dùng trầm hương là hương liệu chính
-Ẩm thực: tăng hương vị cho thức ăn, rượu. Lá dùng như trà.
-Hương dầu chiết xuất tăng lạc thú tình yêu và giúp chữa mất ngủ. Vài nơi còn dùng trầm như bùa yêu (?).
-Trị liệu bằng hương thơm: tạo cảm giác thư giãn sâu, giảm lo lắng và trầm cảm.
6. Lời kết
Nhu cầu tiêu thụ Trầm hương tăng khá mạnh trong khoảng vài năm nay. Cây Dó cho trầm hầu như không còn tìm thấy trong tự nhiên nữa. Việc bảo vệ đa dạng và nguồn gen thiên nhiên là một điều phải quan tâm. Về mặt lịch sử, Trầm hương được biết trước nhất ở khu vực Bắc Ấn độ- Bangladesh-Miến điện. Sau đó việc sử dụng trầm hương lan qua Trung hoa và Trung đông.
Cây Dó cho trầm có thể phát triển qua việc gây trồng. Chúng tăng trưởng nhanh, đáp ứng cho việc tạo trầm khá sớm, dưới 5 năm. Hương thơm và thành phần hoá học của trầm thu được từ cây trồng không khác biệt với trầm thiên nhiên. Hai việc quan trọng trong việc phát triển ngành thu hoạch Trầm hương là cung cấp cây giống và huấn luyện nhân sự. Nông lâm kết hợp cũng là một mô hình đáng quan tâm.
Việt nam hiện có tiềm năng rất mạnh để thành một nước sản xuất và xuất cảng Trầm hương quy mô lớn trên thế giới.
Tham khảo chính
• Hình ảnh lấy từ Internet và sắp xếp lại.
• 2014, Chemical Constituents and Pharmacological Activity of Agarwood and Aquilaria Plants
Shuai Wang, Zhangxin Yu, [...], and Jianhe Wei
• 2019, Agarwood Induction: Current Developments and Future Perspectives
Cheng Seng Tan,Nurulhikma Mdisa, Ismanizan Ismail and Zamri Zainal
1Faculty of Science and Technology, School of Biosciences and Biotechnology, Universiti Kebangsaan Malaysia, Bangi, Malaysi
2Institute for Systems Biology (INBIOSIS), Universiti Kebangsaan Malaysia, Bangi, Malaysia
|