Trận giặc tôm
25/8/2022

 TRẬN GIẶC TÔM 
 (1986-1990) 
Nguyễn Phước Bửu Huy 
 Tôi viết bài này để hồi tưởng lại chặng đường thời kỳ đầu mở cửa, đổi mới kinh tế của ngành thủy sản tỉnh An Giang, tham gia thị trường xuất khẩu và cũng là lúc cao điểm của “Trận giặc  tôm” trong giai đoạn 1986-1990. Từ hệ quả của trận giặc này, nó đã giúp khai sinh ra ngành cá Tra Việt Nam. 
Bày binh bố trận 
 Sau ba tháng tập huấn về nghiệp vụ xây dựng cơ bản trở về, tôi tham gia thực hiện các dự án  phát triển của Sở Thủy sản tỉnh An Giang. Theo kế hoạch của Sở, ngoài nhiệm vụ quản lý ngành  thủy sản nói chung, ông Hà Minh Khá (còn gọi Tám Khá), giám đốc Sở Thủy sản vạch rõ mục  tiêu chiến lược là cần phải tăng cường khai thác nguồn lợi thủy sản xuất khẩu.  
 Trong lúc, An Giang là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, nằm hoàn toàn trong vùng nước ngọt,  chỉ có nguồn tôm càng xanh và một số sản phẩm cá nước ngọt cung cấp nội địa. Tôm càng được đánh bắt từ thiên nhiên, theo mùa nước nỗi hàng năm, sản lượng không nhiều, ngày càng sụt giảm.  Tôm biển là thế mạnh của các tỉnh vùng biển, nên việc tìm cách tham gia khai thác tôm biển là  một yêu cầu quan trọng để tạo thêm nguồn hàng xuất khẩu cho tỉnh An Giang. Điều này được nhà  nước khuyến khích. 
 Ông Tám Khá xuất thân từ quân đội, từng có thời gian hoạt động ở Kiên Giang nên ông am  hiểu rất rõ về tiềm năng, địa bàn khai thác, và các mối quan hệ tại tỉnh này. Ông đã mạnh dạn đề ra các bước để quyết tâm thực hiện mục tiêu nói trên. 
 Tôi nghĩ trong thời gian đó, nếu không phải là ông Tám Khá thì không vị lãnh đạo nào ở An  Giang dám làm chuyện “táo bạo” này. Đó là lập đội tàu đánh cá đi khai thác nguồn thủy sản tại  vùng biển Kiên Giang, trong lúc cơ chế quản lý nhà nước còn rất nặng tính cục bộ, bảo thủ, địa  phương. 
 Hôm đó, trên chiếc Ladalat cũ của Sở, Ngô Phước Hậu và tôi được cử qua Kiên Giang để làm  một chuyến khảo sát các mẫu tàu đánh tôm. Tỉnh Kiên Giang nằm sát với An Giang, từ ngã ba lộ tẻ, chạy xe khoảng hơn một tiếng rưỡi là đến Thị xã Rạch Giá. Chuyến khảo sát này dự kiến trong  ba ngày. 
 Cầm tờ giấy giới thiệu của Sở vào làm việc với Xí nghiệp quốc doanh Đánh cá Kiên Giang,  chúng tôi được vị Giám đốc nhiệt tình đón tiếp, ông ta từng là bạn chiến đấu với ông Tám Khá. Lê  Phương Nam, cán bộ của xí nghiệp, dẫn chúng tôi đến các bãi đóng tàu cá ở phường An Hòa, Thị trấn Rạch Sỏi, thăm cảng cá Rạch Giá. Tôi quan sát các tàu đánh cá vỏ gỗ, xem các kiểu tàu giả cào truyền thống của ngư dân chuyên đánh tôm, trong số đó có nhiều tàu đánh cá khá lớn tịch thu 
của Thái Lan. Hậu và tôi hàng ngày cứ lần mò đến các bãi tàu, hỏi thăm, ghi chép, đo đạc, vẽ phác thảo kiểu tàu. Nhiều người thấy lạ, nhòm ngó, tưởng tụi tôi đang tìm đường đi vượt biên. 
 Sau khi chọn được kiểu tàu thích hợp khai thác tôm, tôi nhờ Phân viện Thiết kế Tàu thuyền,  Bộ Thủy sản, vẽ thiết kế, kết hợp kiểu tàu đánh tôm truyền thống của ngư dân và kiểu tàu composit  hiện đại của Nhật. Luận chứng kinh tế kỹ thuật, hồ sơ thiết kế, và dự toán công trình được Sở trình  lên Ủy Ban Nhân dân Tỉnh (UBT) phê duyệt, cấp kinh phí đóng mới 9 tàu đánh cá biển. 
 Năm 1983, Xí nghiệp quốc doanh Đánh cá An Giang ra đời. Đóng xong chiếc nào là hạ thủy  ngay. Sau vài ngày chạy thử, trang bị lưới cụ là qua Kiên Giang khai thác tôm. Đội tàu đánh cá  tuy nhỏ, nhưng được vị giám đốc Sở ưu ái trang bị khá nhiều vũ khí, súng AK, kể cả phòng không  12.7 mm đề phòng chống hải tặc. Mấy anh em thủy thủ phần lớn cũng được tuyển mộ từ những  ngư dân có kinh nghiệm đánh cá ở Kiên Giang. Đây được xem là bước “đột phá” của Sở để bày binh bố trận, trong bối cảnh “trận giặc tôm” bắt đầu diễn ra.  
 Từ năm 1986, Việt Nam bắt đầu thực hiện “chính sách mở cửa”, Đổi mới kinh tế. Chuyển từ kinh tế kế hoạch, quan liêu, bao cấp sang kinh tế thị trường, định hướng XHCN. Nhiều công ty,  chủ yếu là quốc doanh, được nhà nước khuyến khích tìm kiếm nguồn hàng xuất khẩu để đem về ngoại tệ. Trong đó, tôm là một mặt hàng thủy sản có giá trị xuất khẩu cao. Vì vậy, các tỉnh có biển  quản lý rất nghiêm ngặt nguồn thủy sản quí báu này. Không cho phép tư nhân được mua bán tôm  ra ngoài tỉnh. Nếu bị phát hiện, quản lý thị trường địa phương sẽ phạt và tịch thu. An Giang tuy  không có biển nhưng vẫn có một đội tàu đánh cá biển. Đó là một chuyện khá hy hữu. 
 Công ty Thủy sản An Giang được giao nhiệm vụ tiếp nhận sản phẩm từ xí nghiệp đánh cá và  “đường đường, chính chính” đặt một số trạm thu mua tôm “trôi nổi” tại Phú Hòa (huyện Thoại Sơn), giáp ranh Rạch Giá, trạm cầu Cây me (huyện Tri Tôn), giáp ranh Hà Tiên, dưới danh nghĩa  khai thác để bán cho Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex). Đơn vị này có một số nhà  máy chế biến đông lạnh tại TP HCM và được phép xuất khẩu trực tiếp. 
 Tiếp theo dự án lập đội tàu đánh cá, tôi tham gia công trình qui mô lớn là xây dựng nhà máy  đông lạnh đầu tiên của tỉnh An Giang. Mục đích để chế biến ra thành phẩm tôm xuất khẩu thu  ngoại tệ (USD), thay vì đem bán nguyên liệu bằng tiền đồng (VND) với giá trị thấp.  
 Công trình này được khởi công vào năm 1985. Nhà máy có diện tích gần 4 ha, tọa lạc trên khu  đất nghĩa trang bị giải tỏa tại khúc cua Trái Ấu, thuộc Phường Bình Đức, Thị xã Long Xuyên, nằm  trên trục đường quốc lộ 91 đi Châu Đốc (Hiện nay là trụ sở của Công ty Agifish). 
 Kiểu dáng của nhà máy lấy theo mô hình nhà máy đông lạnh số 6, là nhà máy hiện đại nhất  của Seaprodex vừa mới được khánh thành tại Thủ Thiêm, nằm kế bên sông Sài Gòn. Khi đến tham  quan, ấn tượng đầu tiên của tôi là nhà máy này khá “hoành tráng”. Hệ thống kho lạnh được nhập  từ công ty Lobana-Úc, có sức chứa 10,000 tấn, lớn nhất thời bấy giờ. Toàn bộ thềm nhà máy xây  cao hơn mặt đất 1 mét, ngang tầm xe vận tải lạnh để thuận tiện việc giao nhận, đóng container  hàng hóa bằng xe nâng. Dây chuyền chế biến bố trí theo đúng các tiêu chuẩn quốc tế. Trang bị máy làm nước đá vảy, tủ cấp đông block, băng chuyền IQF hiện đại.  
 Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Imexco) đã được giao thầu trọn gói từ thiết kế đến xây  dựng nhà máy đông lạnh An Giang. Tối hôm đó, đoàn An Giang được ông Charles Đức (còn gọi 
Charles Bauduin), phó Tổng giám đốc Imexco, là một doanh nhân người Pháp gốc Việt, cùng với  vợ là nghệ sĩ Bạch Tuyết mời đoàn chúng tôi dùng một tiệc cơm thân mật trên sân thượng của tòa  nhà Imexco, tọa lạc tại số 8 đường Nguyễn Huệ, quận 1. Đây là tòa nhà 12 tầng, thiết kế đẹp và  cao nhất của TP HCM lúc bấy giờ.  
 Sau chuyến thăm vài tháng, tôi ngỡ ngàng khi nghe tin nhà máy đông lạnh số 6 ở Sài Gòn bị hỏa hoạn. Toàn bộ nhà máy bị thiêu rụi hoàn toàn chỉ vì lý do bất cẩn của một anh thợ hàn. Mấy  năm sau, vào ngày 14 tháng 10 năm 1989, cả tòa nhà Imexco cũng bị bốc cháy như một ngọn đuốc  khổng lồ giữa trung tâm Sài Gòn, làm bàng hoàng cả nước mà không rõ lý do tại sao.  
 Nhờ sự tập trung ưu tiên vốn đầu tư của tỉnh, công trình xây dựng nhà máy đông lạnh An Giang  sớm được hoàn thành và đi vào hoạt động vào đầu năm 1986. Xí nghiệp đông lạnh An Giang ra  đời, chuyên sản xuất, chế biến tôm. Ban lãnh đạo gồm có ba người, Nguyễn Trường Giang (Hai  Giang) làm giám đốc, tôi làm phó giám đốc, phụ trách sản xuất, còn Hậu làm phó giám đốc phụ 
trách kinh doanh. 
 Việc bảo đảm nguồn tôm nguyên liệu cung cấp hàng ngày cho nhà máy chế biến là một vấn đề quan trọng. Ngoài lượng tôm thu mua tại chỗ trong tỉnh, xí nghiệp còn nhờ một số tay mối lái tôm  có nhiều kinh nghiệm như Trần Kim Long (Bé “nhọn”), anh em nhà Hạnh “mập”, đi mời gọi các  bạn hàng các nơi đem tôm về bán cho nhà máy.  
 Sau một thời gian, nhận thấy việc mua qua thương lái có nhiều bấp bênh, không ổn định, công  ty đã ký hợp đồng với các tỉnh bạn, lập thêm nhiều trạm thu mua khắp khu vực ĐBSCL.  

 
Hình 2: Bản đồ Đồng bằng sông Cửu Long Bản đồ hành chính tỉnh Cà Mau 
 Trong giai đoạn này, nhà nước cho phép các huyện thị được thành lập công ty để quản lý,  kinh doanh, khai thác nguồn tôm. Chủ trương này đã cho ra đời hàng trăm công ty quốc doanh cấp  huyện, kinh doanh tôm, tạo nguồn thu ngân sách cho địa phương. Nhưng đồng thời đã góp phần  gây ra tình trạng tranh mua, tranh bán giữa các địa phương, dẫn đến “trận giặc tôm” một thời khốc  liệt đã diễn ra.
 Các trạm thu mua của công ty trải rộng từ An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, đến Minh Hải  (Bạc Liêu, Cà Mau), là những tỉnh giáp vùng biển. Trong đó, Cà Mau là địa bàn trọng điểm.  Thời gian đầu, lượng tôm khá nhiều, việc thu mua tương đối thuận lợi. Có khi vô “con nước” [1],  tôm vuông [2] ở Cà Mau xổ [3] ra như đống núi. 
 Tôi còn nhớ vào một đêm Hè năm 1987, trời mưa tầm tả, chị Nguyễn Thị Hồng Minh, hồi đó  còn làm phó giám đốc Xí nghiệp đông lạnh Cà Mau, chạy xe lên Long Xuyên gõ cửa nhà tập thể,  tìm tôi. Chị đề nghị nhà máy tôi giúp chế biến gia công vì tôm vô quá nhiều, nhà máy của chị làm  không xuể, nếu để thời gian kéo dài, tôm sẽ bị xuống cấp, kém chất lượng, giảm giá.  
  Hình 2: Trong nhà máy chế biến tôm- Ảnh minh họa 
 Lúc đó, nhà máy tôi còn thừa công suất, giám đốc Nguyễn Trường Giang (Hai Giang) đã đồng  ý nhận gia công ngay. Vậy là qua hôm sau, ba chiếc xe tải lớn chở hơn 30 tấn tôm các loại đổ vào  nhà máy. Tôi phải thuê thêm hàng trăm người dân bên ngoài. Mướn cả thầy cô giáo, học sinh nghỉ hè, vào lột tôm gia công.  
 Thời vàng son ấy chóng qua, từ năm 1988 về sau, nguồn tôm cạn dần, việc cạnh tranh, nâng  giá mua giữa các doanh nghiệp nhà nước diễn ra ngày càng quyết liệt, thậm chí nhằm tiêu diệt lẫn  nhau. Nhất là giữa Công ty Đông lạnh Hùng Vương (gọi tắt HV), TP HCM, và Công ty xuất nhập  khẩu tổng hợp Long An (còn gọi Unimex Long An).  
 Mặc dù “trận giặc tôm” chỉ diễn ra trong khoản thời gian ngắn, cao điểm từ năm 1988 đến1990, nhưng nó đã làm nhiều công ty lâm vào cảnh thua lỗ, hoặc bị phá sản, để rồi kẻ phải tự sát, người bị tù đày.  
“Trận giặc tôm”  
 Trước tình hình khủng hoảng kinh tế giai đoạn 1986-1990, nhà nước đã ban hành chính sách  đổi mới. Khuyến khích xuất khẩu, nhưng đồng thời quản lý chặt nguồn ngoại tệ quí gía kiếm được.  Chủ trương “chia quyền sử dụng ngoại tệ” với các doanh nghiệp xuất khẩu được đề ra theo tỷ lệ:  6/4, hoặc 7/3. Nghĩa là, doanh nghiệp chỉ được phép sử dụng 60-70% giá trị ngoại tệ thu được để
nhập hàng cho hoạt động của doanh nghiệp, còn lại 30-40% ngoại tệ phải bán cho nhà nước theo  tỷ giá qui định của ngân hàng. 
 Các địa phương có nguồn hải sản xuất khẩu cũng tăng cường quản lý nghiêm ngặc mặt hàng  “chiến lược” này. Ngoài ra, do tỷ lệ lạm phát phi mã vào thời điểm đó nên tỷ giá ngoại tệ cũng  thường xuyên biến động lớn, kéo theo giá mua tôm không ngừng tăng lên. Điều này đã gây ra nhiều rủi ro và hậu quả thảm hại cho các doanh nghiệp đã lỡ nhập hàng với phương thức trả chậm,  là hình thức mượn nợ (ngoại tệ) từ khách hàng nước ngoài. Sau đó, bằng mọi giá họ phải tìm cách  mua hàng xuất để trả nợ, tránh bị trượt giá, thua lỗ. Điều này đã khơi mào cho “trận giặc tôm”.  
 Tập đoàn Sun Wah - Hong Kong, các khách hàng Nhật, Úc của Seaprodex, và của Xí nghiệp  Đông lạnh 1- Imexco TP HCM, là những đơn vị mua hải sản lớn. Hàng tháng, họ thường đưa ra  bảng giá tôm (USD) gửi cho các doanh nghiệp. Trên bảng giá chi tiết, ghi rõ từng cỡ, loại tôm bao  gồm: thẻ (white), sú (black tiger), rằn (cat tiger), chì đất (pink), nghệ (yellow). Kèm qui cách các  cở từ lớn: 5/7; 7/9, đến nhỏ nhất: 300/500 con/pound (Lb), và loại B (tôm chất lượng xấu, giảm  giá 10%). Theo tiêu chuẩn quốc tế, cỡ tôm thành phẩm được tính bằng số con trong một pound  (453g). Trong lúc, cỡ tôm nguyên liệu được tính bằng số con trong một kí lô. Điều này dễ gây  nhầm lẫn khi mua tôm. 
 Khi nhận được bảng giá, chúng tôi cùng ngồi lại phân tích, tính toán chi phí sản xuất, tỷ lệ chế biến, tỷ giá, từ đó đưa ra khung giá thích hợp để triển khai thu mua. Là một đơn vị sản xuất,  giám đốc Hai Giang yêu cầu không được để nhà máy thiếu nguyên liệu, công nhân nghỉ việc là một sự đau sót.  
 Những năm 1988-1989, tôi được giao nhiệm vụ tổ chức nhân sự, phối hợp cùng nhóm anh em  Hạnh “mập”, lập các trạm thu mua khắp các tỉnh ĐBSCL. Mỗi lần xuống trạm, chúng tôi phải chở theo cả một xe tải tiền mặt, mang dụng cụ, nước đá cây, để trả tiền cho thương lái và bảo quản sản  phẩm.  
 Cà Mau là tỉnh được xem là “rún tôm” ở ĐBSCL. Theo hợp đồng với Công ty Thủy sản Thị xã Cà Mau, giám đốc Mười Hùng cho công ty tôi được đặt trạm đầu tiên tại xã Tắc Vân, trong một  căn nhà tôn nhỏ, op ẹp. Một trạm khác đặt ngay tại nhà của Ngô Văn Nga, một người chuyên môi  giới tôm tại Cà Mau. Ngoài tiền cho thuê trạm, anh ta còn quen nhiều mối lái tôm, chỉ việc đi kêu  gọi họ đem đến bán cho trạm tôi là anh ấy sẽ được thêm hoa hồng môi giới. 
 Mỗi trạm có 3-4 nhân viên gồm: kế toán, thủ quĩ, KCS [4], công nhân muối ướp, bốc xếp, túc  trực 24/24. Khi thương lái đem hàng đến, lô tôm được đổ ra trên tấm bạt ni lông, họ không cho  phép lựa vì sợ làm dập tôm. KSC chỉ xúc ngẫu nhiên vài kí lô, kiểm tra, phân loại thật nhanh, rồi quyết định giá mua [5]. Việc đánh giá tôm để mua xô là rất quan trọng, nó quyết định lô hàng  có lời hay lỗ nên KCS là những người rất quan trọng, được chọn từ những công nhân phân cỡ có  tay nghể giỏi của nhà máy. Nhóm Hạnh “mập” có kinh nghiệm, được giao khoán thu mua. Sau khi  đưa vào chế biến, kết quả thành phẩm sẽ được đem đối chiếu với bản giá xuất để chấp nhận lời ăn, 
lỗ chịu.
 Ngô Văn Nga sau này làm ăn khấm khá, đã xây dựng nhà máy riêng, lập doanh nghiệp và trở thành chủ nhân của Công ty Cổ phần Kinh doanh Chế biến Thủy sản và XNK Quốc Việt, là một  trong những công ty nổi tiếng về tôm ở Cà Mau hiện nay. 
 Ban đầu, chỉ vài trạm ở thị xã Cà Mau là tôi có thể dễ dàng mua 30-40 tấn mỗi ngày, đủ công  suất cho nhà máy chế biến. Nhưng từ năm 1988 trở về sau, nhiều công ty từ TP HCM và các tỉnh  bạn cũng đến đặt trạm, tranh mua nên số lượng thu được mỗi ngày ít dần, nhất là khi qua con nước.  Công ty tôi phải mở thêm các trạm khác ở những huyện vùng xa, nơi có nhiều vuông nuôi tôm của  người dân như Đầm Dơi, Gành Hào, Phú Tân, Cái Nước, Năm Căn, Sông Đốc… 
 Phương tiện đi lại, vận chuyển từ những nơi này chủ yếu là vỏ lãi, ca nô hay tắc ráng. Sáu giờ chiều là trạm các nơi phải vận chuyển tôm về đến Thị xã Cà Mau để tập trung lên xe đưa về Long  Xuyên. Mỗi tháng, người dân xổ vuông tôm hai lần, vào con nước rằm Âm lịch (giữa tháng) và  con nước 30 Âm lịch (cuối tháng). Đây là thời điểm vuông tôm được thu hoạch rộ, đồng loạt, khắp  mọi nơi. 
  
Hình 3: Người dân xổ vuông tôm- Ảnh minh họa 
 Tại Bạc Liêu, chị Ba Tua, giám đốc Công ty Thủy sản Vĩnh Lợi, cho chúng tôi đặt trạm tại khu  vực huyện Vĩnh Lợi, nơi có nhiều vuông tôm. Tại tỉnh Sóc Trăng, tôi cũng đặt hai trạm ở huyện  Thạnh Trị và thị trấn Vĩnh Châu. Tôi đi như con thoi giữa hàng chục trạm để kiểm tra, nắm tình  hình, và hướng dẫn thu mua.  
 Tôi còn nhớ vào một đêm, trời mưa lâm râm, trên chiếc xe Mazda 1200, tài xế Phan Văn Phải chở tôi đi từ Bạc Liêu về trạm Vĩnh Châu. Đoạn đường khoảng 30 Km. Trời tối mù mịt, trên con  đường đất nhỏ hẹp, chạy dọc theo bờ biển. Không thấy một bóng người, mùi nước mặn, pha lẫn  mùi bùn từ bãi bồi bốc lên. Đến ngã ba đường, chạy một đoạn, Phải phát hiện đường cụt, biết bị nhầm nên quay xe lại. Đi chưa được năm phút, xe thắng gấp, tôi giật mình hỏi: “Có chuyện gì  vậy?” “Anh nhìn kìa! Thấy gì chưa?” Phải chỉ tay về phía trước đầu xe, dưới ánh đèn pha, một  con mương nhỏ rộng khoảng ba mét, chỉ có hai thanh gỗ mỏng manh bắc qua, bề ngang thanh gỗ
vừa đúng làn bánh xe. Phải xanh mặt không biết tại sao lúc đó xe lại lướt qua con mương này một  cách ngọt xớt, có lẽ chạy theo quán tính, nhưng bây giờ quay trở về thật là nguy hiểm.  
 Vừa bước xuống, tôi quan sát kỹ đầu xe, làm dấu hiệu chỉ đường cho Phải điều khiển vô lăng  thật chuẩn xác để xe “bò” từ từ qua hai thanh gỗ hẹp. Hết đôi bánh trước rồi tới cặp bánh sau. Tôi  hồi hộp, nín thở. Cuối cùng, chiếc xe cũng lọt được qua con mương an toàn. Thật là hú hồn. Gần  bốn giờ sáng, chân bê bết bùn đất, tôi mới về đến Thị trấn Vĩnh Châu. Nếu chẳng may, xe phóng  nhanh bị lao xuống mương có thể gây tại nạn thảm khốc cho tôi và tài xế, hoặc khi quay trở về bị 
sụp xuống mương, thì tôi chỉ còn cách ngủ lại giữa đường, chờ sáng hôm sau nhờ người đến tiếp  cứu, kéo xe lên. Đó là một kỷ niệm khó quên lúc chỉ huy trận địa thu mua tôm tại miền Tây. 
 Tại Kiên Giang, các trạm đặt gần cảng Rạch Giá và phường An Hòa, nơi có nhiều tàu cá cập  bến mỗi ngày, chủ yếu mua tôm biển. Lúc cao điểm, chúng tôi có đến 20 trạm. Mỗi trạm cố gắng  mua được vài trăm kí lô tôm thôi cũng được xem là thắng lợi. Việc quản lý hoạt động các trạm  này là nhiệm vụ rất phức tạp, bởi rất dễ nảy sinh tiêu cực. Thêm vào đó, các nhân viên, anh em  công nhân sau giờ làm việc hay bày ra ăn nhậu, do sẵn mồi tôm cua, có khi xảy ra xích mích, đánh  lộn nhau. Tôi phải can thiệp, giải quyết. 
 Ngoài việc khoán thành phẩm, tôi còn phải được cập nhật thường xuyên giá mua. Tôi theo dõi  giá của các công ty khác, bằng cách cho nhân viên mình đem vài kí lô tôm giả vờ đến bán, xem họ mua được giá bao nhiêu để kịp thời điều chỉnh mới mong có được hàng. Chỉ cần chênh lệch nhau  vài trăm đồng một kí lô là thương lái không chịu bán. Khi họ chở hàng vào trạm, kiểm tra xong,  phải cố gắng thương lượng để mua cho được, không được để họ chở đi bán chổ khác. Có khi mua  được lô hàng ngày hôm trước, qua hôm sau, gía tăng, chỉ cần sang tay lại cho các trạm khác là có thể kiếm lời, không cần đem về nhà máy chế biến cho mất công.  
 Tôi còn lặn lội xuống tận nhà máy đông lạnh thủy sản Năm Căn để mua tôm tận gốc và nhờ ông Tư Tính, giám đốc, giúp gia công theo cách đi sát cỡ cuối của tôi. Sau đó, thuê xe lạnh chở thành phẩm về An Giang. Với cách làm này, tôi mua được hàng, trong khi nhà máy của ông ta lại không mua được vì họ đã quen bắt từ đầu cỡ đến trung bình. 
 Kích cở tôm ngày càng nhỏ dần do người dân tận dụng xổ tôm liên tục. Về sau, tôm cỡ nhỏ từ 91/100 đến 300/500, thương lái đã tổ chức phân cỡ, bóc vỏ tôm tại chổ, gọi là tôm “nõn”. Các  trạm tranh nhau mua loại tôm “nõn” này vì đem về nhà máy không cần phải mất công chế biến,  chỉ kiểm tra lại cỡ, loại, rữa sạch là cân lên khuông cấp đông thành phẩm. Điều này giúp vừa tăng  năng suất chế biến, vừa có hiệu quả cao. Ngoài ra, tôm “nõn” khi ngâm nước đá với tỷ lệ muối (STPP [6]) 10-15%, còn làm cho tôm ngậm nước, tăng thêm trọng lượng, lên kích cở. Nhưng việc  lạm dụng ngâm thuốc tăng trọng, bơm chích tạp chất như rau câu; ướp urê, hàn the; rất dễ xảy ra,  sẽ làm giảm chất lượng sản phẩm. Có lần, tôi cũng đã mua lầm những lô hàng này, khi đem về tới  nhà máy, tôm bị nhão, bốc mùi ương, phải hủy bỏ, và chịu lỗ. 
 Tôi còn nhớ có lần ở cùng khách sạn Cà Mau với Nguyễn Thông Minh, phó giám đốc HV.  Hỏi thăm tình hình xuất khẩu thì tôi được biết khách hàng của họ cũng là công ty Sun Wah, cùng  một bảng giá bán như nhau. Nhưng tôi tính toán chi li, hết cách, vẫn thắc mắc tại sao các trạm của  HV vẫn mua gía cao hơn tôi 15-20% “Họ chấp nhận lỗ hay có nguồn khác hổ trợ chăng?” Tôi tự
hỏi. Sau này mới biết do họ đã nhập hàng trả chậm, áp lực lạm phát, sợ trượt giá, nên họ phải chấp  nhận mua cao để có được hàng xuất khẩu. 
 Kế bên trạm HV là trạm của Unimex Long An, cũng tình trạng nâng giá mua cao như vậy. Có  lúc, tôi nghe nói trạm này còn nhận được lệnh của Sáu Kiệu, Tổng giám đốc Unimex Long An:  “Phải bằng mọi giá, không để Hùng Vương mua được tôm!” Phía HV chơi lại, bằng cách mua gom tất cả nước đá trong khu vực, không để họ có đủ nước đá muối ướp, làm tôm bị mau xuống  cấp, hư hỏng.  
 Tôi báo cáo tình trạng tranh mua căng thẳng trên về lãnh đạo công ty để tìm cách giải quyết.  Việc cạnh tranh như chơi ván bài lật ngữa, sát phạt nhau. Từ gía mua nguyên liệu, chi phí sản xuất,  đến giá xuất khẩu, các doanh nghiệp đều biết rõ nhau. Vậy mà họ cứ cạnh tranh, nâng giá, triệt hạ lẫn nhau. Đến nỗi ông Sáu Kiệu đã phải tự sát, bắn vào đầu ngay tại phòng làm việc (1991). Vụ án này đã gây chấn động trong giới Thủy sản. Một thời gian sau, năm 1995, đông lạnh HV cũng  bị phá sản. Dương Ngọc Minh, giám đốc, bị vướng vào vòng lao lý vì tội: “cố ý làm trái pháp luật  qui định của nhà nước, gây ra thiệt hại kinh tế hết sức nghiêm trọng” Như ông ấy từng kể.  
 Từ năm 1990, nhằm chấn chỉnh lại tình trạng cạnh tranh tiêu cực của “trận giặc tôm”, nhà nước đã giải thể tất cả các công ty quốc doanh cấp huyện, thị. Chỉ duy trì các công ty cấp tỉnh, tiến  hành cổ phần hóa doanh nghiệp, và cho phép công ty tư nhân ra đời. Các công ty hoạt động theo  Luật Doanh nghiệp. Đồng thời, bãi bỏ kiểu “chia quyền sử dụng ngoại tệ” lắm ràng buộc và nhiêu  khê. Doanh nghiệp được toàn quyền sử dụng ngoại tệ của mình. 
Thay lời kết 
 Do hiệu quả chế biến, kinh doanh tôm ngày càng giảm, khó cạnh tranh nguyên liệu với các  tỉnh bạn. Cùng năm 1990, lãnh đạo Công ty Thủy sản An Giang đã quyết định rút toàn bộ trạm thu  mua của công ty về “ta tắm ao ta”, thoát khỏi “trận giặc tôm” quái ác vẫn chưa đến hồi kết thúc.  Nhà máy không còn tập trung vào mặt hàng này như mục tiêu ban đầu nữa, để chuyển dần sang  chế biến fillet cá Basa vì nguồn nguyên liệu cá nuôi này có sẵn tại An Giang và đang có triển vọng  xuất khẩu. Do khó khăn, thua lỗ, Công ty Thủy sản An Giang cũng được sáp nhập với năm doanh  nghiệp khác để thành lập Công ty Xuất nhập khẩu Nông Thủy sản An Giang (AFIEX Co).  
 Qua “trận giặc tôm”, tôi chỉ còn nhớ lại vài kỉ niệm chua sót của thời khốc liệt những năm  1986-1990, khi đi tranh giành nhau mua từng con tôm, con tép từ các nơi. “Chớ nên thở bằng lỗ mũi của người khác”, đó là bài học xương máu như câu châm ngôn người xưa đã nói. Cũng nhờ đó mà nhà máy của tôi tìm được lối thoát, và chuyển hướng kịp thời. Từng bước đi tìm thị trường  
mới, tạo dựng nên tên tuổi cho sản phẩm fillet cá Basa, cá Tra. Đưa sản phẩm này trở thành một  mặt hàng thủy sản xuất khẩu quan trọng, khởi sự từ An Giang, đã góp phần hình thành ngành công  nghiệp cá Tra Việt Nam đi khắp nơi trên thề giới. 
 An Giang, Mùa hè 2022  Nguyển Phước Bửu Huy 
Ghi chú  
[1] con nước: tiếng địa phương chỉ thời điểm thủy triều xuống thấp nhất trong tháng. Mỗi tháng có hai thời điểm  mực nước biển thấp nhất vào giữa tháng và cuối tháng (Âm lịch). Là lúc người dân mở cống, tháo cạn nước trong ao  để bắt tôm theo chu kỳ bán nhật triều. 
[2] tôm vuông: tiếng địa phương để chỉ sản phẩm tôm được nuôi tự nhiên trong ao, hồ. Phân biệt với tôm biển, được  khai thác từ biển. Vuông tôm: tiếng địa phương, để chỉ những ao, hồ nuôi tôm thường có hình vuông, hoặc chữ nhật, như những ô vuông trên bàn cờ. Tôm giống thiên nhiên theo dòng nước biển chảy vào ao nuôi, lớn lên tự nhiên, hoàn toàn không cho thêm thức ăn bổ sung. 
[3] xổ: tiếng địa phương, để chỉ công việc tháo cạn nước trong ao nuôi theo thủy triều rút xuống khi thu hoạch tôm. Tôm sẽ trôi theo dòng nước vào chiếc túi lưới đặt ở cửa cống. 
[4] KCS: viết tắt của các chữ Kiểm tra Chất lượng Sản phẩm. Trong nhà máy chế biến luôn có bộ phận này để kiểm  tra an toàn vệ sinh, chất lượng sản phẩm. 
[5] xô: tiếng địa phương, để chỉ việc mua cả khối lượng lô hàng theo ngẫu nhiên. 
[6] STPP: Sodium Tripolyphosphate. Một loại muối cho phép dùng trong thực phẩm. 
Tài liệu tham khảo
1. “Vụ cháy tòa tháp cao nhất của Sài Gòn xưa” - Danviet.vn 24/6/2013
2. “Doanh nhân Dương Ngọc Minh. Từ phạm nhân trở thành ông vua cá Tra”- Bất động sàn Express (30/8/2021) 3. “Công ty CP Kinh doanh Chế biến và Xuất nhập khẩu Quốc Việt”- masothue.com 
4. “Bản đồ Đồng bằng song Cửu Long (13 tình Miền Tây)” - bandovietnam.com.vn
https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 228918 visitors (433962 hits) on this page!