Lũ lụt Miền Trung. Phần 2
4/11/2020

CHUYỆN DÀI LŨ LỤT MIỀN TRUNG

Trần-Đăng Hồng, PhD

PHẦN 2. PHÁ RỪNG, THỦY ĐIỆN VÀ LŨ LỤT

 

Con người sống nhờ rừng từ thời còn ăn lông ở lỗ, bằng cách hái rau trái cây săn thú, về sau đốt phá rừng làm nương rẫy, rồi định cư thành làng mạc. Con người đốn cây làm nhà, vật dụng trong nhà, chặt cây làm củi, đốt than, v.v. nhưng sự phá hủy này còn trong phạm vi nhỏ, chỉ cho nhu cầu của sự sống rất giản dị. Người xưa phá rừng chỉ tập trung ở các loại cây nhỏ, rừng thưa ở vùng đồng bằng. Tổ tiên cũng biết bảo vệ rừng, ai “phá sơn lâm, đâm hà bá” sẽ bị trời trừng phạt. Để ngăn ngừa việc chặt đốn cây cổ thụ, tổ tiên ta đã tạo nên văn hóa tôn thờ cây cổ thụ, mỗi cây cổ thụ là một vị thần, nhất là cây đa, cây gỗ quí (giáng hương, trắc, lim v.v.), đốn những cây cổ thụ này sẽ bị thần linh quật chết.

Khai thác cây rừng ở Việt Nam (Giao Chỉ) được sử Tàu ghi chép đầu tiên là vào thời Tam quốc, cách đây khoảng 1800 năm, người Giao Chỉ cống hiến mỗi 3 năm cho Đông Ngô, ngoài sừng tê giác và ngọc trai, còn có giấy làm từ vỏ cây mật hương của rừng vùng Thanh Hóa Nghệ An và đóng thuế “cỏ khô” là thuế khai hoang rừng thành đất mới để canh tác (1).

Rừng ở Nam Kỳ (Cochichine, nay là Nam Bộ) lần đầu tiên được mô tả là rất rậm và phong phú bởi Giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Behaine) vào năm 1767. Cũng chính vì sự phong phú tài nguyên của rừng, nhất là các loại gỗ quí dùng đóng tàu thủy, mà Pháp quyết tâm chiếm Nam Kỳ, để cạnh tranh với Anh quốc đã chiếm Ấn Độ và Miến Điện, khai thác gỗ quý ở các nước này dùng đóng tàu chiến hạm, và bảo vệ rừng ở Âu Châu đã lạm thác (2, 3).

Tại Nam Kỳ, dưới sự cai trị của người Pháp, rừng được kiểm soát và khai thác có chừng mực, có luật bảo vệ rừng, nhất là các rừng có gỗ quí như teck, cây sao, vấp, v.v. (dùng đóng tàu thủy) và trừng phạt rất nặng nạn lâm tặc (3). Luật lệ đầu tiên về kiểm soát khai thác lâm sản ở Nam Kỳ là 1862-1863, tại Bắc Kỳ (Tonkin) 1888 (2). Tuy nhiên, kể từ 1866 chính quyền Pháp nới lỏng luật lệ, và rừng ở các tỉnh Miền Đông Nam Kỳ vì thế bắt đầu bị phá hủy nhiều (3).

Vào năm 1787, diện tích rừng ở Đông Dương (gồm Việt Nam, Cambodge, Lào) khoảng 313.000 km2 trên diện tích lãnh thổ là 780.000 km2, tức rừng chiếm 40% diện tích (2).

Dân số Đông Dương vào năm 1940 chỉ khoảng 23 triệu người, 72% là người Việt ở đồng bằng, sống trên diện tích 313.000 km2 (2), mật độ khoảng 73 người/km2, nên rừng chưa bị phá hủy nhiều.

Trên vùng cao nguyên (Trường Sơn), diện tích khoảng 400.000 km2, trong số này có khoảng 25.000 km2 đất phì nhiêu, mật độ dân chỉ khoảng 15-20 người/km2 (2), trong lúc dân số ở Bắc Việt là 6,5 triệu sống trên diện tích 15.000 km2, với mật độ 430 người/km2, vì vậy ngay từ 1940 việc phá rừng ở Bắc Việt, cũng như Nam Việt đã khá trầm trọng, trong lúc cao nguyên Trường Sơn coi như còn nguyên vẹn (2).

Lý do rừng ở Cao Nguyên thuộc dãy Trường Sơn (nay gọi Tây Nguyên) trước 1940 coi như còn nguyên vẹn, vì các lý do sau đây:

- Cao nguyên là lãnh thổ của người Thượng (gồm trên 20 sắc tộc ở thời điểm 1940), sống bằng du canh, phá đốt rừng một diện tích nhỏ làm nương rẫy, trong 2-3 năm, rồi dời đến địa điểm khác, và không trở lại địa điểm cũ, nên chỉ sau 10 năm rừng bắt đầu được tái tạo. Ngoài ra, người Thượng tôn thờ cây rừng cổ thụ, tin rằng mỗi cây có một vị thần cai quản. Mỗi khi du canh đến vùng rừng mới, ông trưởng bộ tộc (già làng) quì dưới gốc cây cổ thụ, niệm thần chú xin thần bảo vệ bản tộc.

- Dưới mắt người Việt (người Kinh) sống ở đồng bằng, vùng cao nguyên là vùng rừng thiên nước độc, đầy nguy hiểm vì người Thượng xem người Kinh là kẻ thù.

- Dưới thời Nhà Nguyễn, Cao Nguyên Miền Trung thuộc lãnh thổ Việt Nam nhưng dân bản địa được quyền tự trị. Trong thời Pháp cai trị, các nhà tư bản Pháp được khuyến khích lên Cao nguyên lập đồn điền cao su, trà, cà phê, và hạn chế người Việt đến vùng này ngoại trừ làm công nhân cho đồn điền Pháp. Năm 1950, vua Bảo Đại thiết lập “Hoàng triều cương thổ”, là khu vực cai trị dành cho người Thượng, người Việt bị hạn chế đến sinh sống để giữ bản sắc của mỗi sắc tộc, nhưng người Pháp vẫn được phép ưu tiên lập đồn điền.

1. Việc phá hủy rừng ở Miền Trung và cao nguyên (Tây Nguyên) từ thời Pháp và Việt Nam Cộng Hòa cho tới 1975

Nguyên nhân phá rừng được tóm lược trong 3 loại chánh:

- Cư dân địa phương phá rừng làm rẫy, du canh, lấy cũi, đốt than, khai thác gỗ, v.v.

- Thành lập các đồn điền cao su, cà phê, trà, v.v. Kể từ 1911 cho tới 1954, người Pháp phá rừng và thành lập các đồn điền cao su ở Miền Đông (vùng đất xám), và Tây Nguyên (vùng đất đỏ) với diện tích tổng cộng khoảng 70.000 ha. Vào năm 1968, diện tích đồn điền cao su của người Việt và Pháp khoảng 100.000 ha.

Trong thập niên 1950, có một số người Việt (ở Miền Nam) bắt đầu lên vùng Ban Mê Thuộc lập đồn điền cà phê.

Tổng thống Ngô Đình Diệm giải thể chính sách Hoàng Triều Cương Thổ năm 1955, hạn chế và lần lượt thu hồi các đồn điền người Pháp. Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa khuyến khích dân lên lập nghiệp ở Cao Nguyên. Vào năm 1954, khoảng 55 ngàn người Bắc di cư được định cư ở Lâm Đồng, Di Linh, Đà Lạt, họ phá rừng canh tác trà và cà phê. Ước tính trong thời gian từ 1955 đến 1960 có thêm hơn 30.000 người Việt ở các tỉnh duyên hải Miền Trung đến định cư ở Cao Nguyên. Người Pháp và Việt thành lập các đồn điền trà, cà phê trên Cao nguyên, nhiều nhất từ Bảo Lộc cho tới Ban Mê Thuộc. Thống kê dân số của Việt Nam Cộng Hòa cho thấy vào khoảng 1974-1975, toàn dân số gồm người Thượng và Việt khoảng 1,5 triệu người, và tỷ số Thượng /Việt xấp xỉ nhau.

-Rừng bị tàn phá bởi chiến tranh (1945 – 1975). Nghiên cứu hậu chiến của Mark N. Collins ghi nhận chiến tranh có ảnh hưởng xấu đến khoảng 2,2 triệu ha rừng, bằng 6,6% tổng diện tích lãnh thổ và 15,6% độ che phủ, tuy nhiên không gây hủy diệt nhiều rừng (4).

2. Phá hủy rừng từ 1975 cho tới nay.

- Thành lập vùng kinh tế mới. Đưa dân từ thành phố vào định cư ở vùng rừng núi, phá rừng làm nương rẫy đặc biệt là trồng khoai mì, đồi núi trở nên trọc dễ làm xoi mòn đất đai.

- Chính quyền đưa dân vùng Tây Bắc Bắc Bộ, đa số là sắc tộc, vào định cư ở Tây Nguyên, thành lập khu kinh tế và làng mạc. Họ di dân nguyên cả bản làng và lập làng sống chung ở Tây Nguyên. Vì vậy, việc phá rừng rất trầm trọng, riêng ở Đắk Lắk hàng ngàn ha rừng bị phá hủy hàng năm (5).

- Phong trào dân khắp nước ồ ạt tự di dân lên Tây Nguyên, phá rừng, chiếm đất của người bản địa (sắc tộc) để lập đồn điền cao su, trà, cà phê, tiêu, điều, v.v. Dân số Tây Nguyên gia tăng quá nhanh, mà người Kinh chiếm đa số, và đẩy người sắc tộc vào rừng sâu, không có đất để sinh sống (Bảng 1). Theo Bảng 1, chỉ trong năm 35 năm (1976 - 2011), dân số Tây Nguyên tăng 4,31 lần. Riêng tỉnh Đắk Lắk, từ 350.000 người (1995) tăng lên 1.776.331 người (1999), tức tăng 4,85 lần trong 4 năm (5).

Bảng 1. Dân số tại Tây Nguyên (Đắk Lắk, Gia Lai - Kontum, Lâm Đồng) (5)

Năm

Tổng số dân

Người Thượng

Người Việt

Tỉ số (%) Thượng/Việt

1976

1.225.000

853.820

371.180

230,0

1993

2.376.854

1.050.569

1.326.275

79,2

2004

4.668.142

1.181.337

3.486.805

33,9

2009

5.107.437

 

 

 

2011

5.282.000

 

 

 

 

 

Vào thời điểm 2020, Tây Nguyên có khoảng 2 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp gồm gần 610.000 ha cà phê (chiếm 90% diện tích cà phê cả nước); cao su hơn 250.000 ha (chiếm 26%); hồ tiêu 90.000 ha (chiếm hơn 60%); điều 83.000 ha (chiếm 28%); sầu riêng 12.600 ha (chiếm 34%); bơ 2.800 ha (chiếm hơn 82%); chưa kể diện tích rất lớn canh tác rau, hoa tại Lâm Đồng (6).

Tại vùng duyên hải, dọc bờ biển từ Quảng Bình đến Bình Thuận là dải cây dương (thùy dương) mà thời Pháp và Việt Nam Cộng Hòa trồng để chống cát bay vào đồng ruộng. Trong vòng hơn 20 năm nay, các công ty khai thác kim loại quý như Titan đã cày xới ủi bật gốc tàn phá gần hết rừng dương. Tiếp theo là kế hoạch phát triển khu nghỉ dưỡng resort, khách sạn đủ loại dọc bờ biển đẹp và tàn phá thêm rừng dương còn lại.

- Lối sống vương giả của giai cấp đại gia, quan chức. Nhà cửa phải bằng gỗ quí, nội thất phải gỗ quí, và cây rừng cổ thụ vài trăm tuổi giá vài ba chục tỷ đồng trồng trong vườn nhà. Mới đây dư luận xôn xao một đại gia Hà Nội chi 30-40 tỷ đồng trồng cây cảnh cổ thụ để làm bóng mát. Vườn nhà rộng vài ba ha trồng toàn cây rừng cổ thụ giá vài trăm tỷ thì vô số ở khắp 3 miền. Vì vậy hầu hết cây đại thụ, gỗ quý trong rừng nguyên sinh bị đốn chặt, bứng gốc, đồng thời dùng xe lớn chuyên chở làm phá hủy thêm rừng. Các đại gia và quan chức thỏa hiệp với nhân viên kiểm lâm đã tàn phá rừng rất nghiêm trọng.

 

 

Hình 1. Bứng nguyên gốc cây rừng cổ thụ từ rừng sâu và dùng xe cần cẩu chuyển về vườn của đại gia

 

Hình 2. Ngôi nhà gỗ 5 tầng bằng gỗ quí cây Sao Xanh ở Hà Tỉnh

 


 

Hình 3. Bàn ghế của đại gia và quan chức


 

Hình 4. Nội thất trong chùa cũng bằng gỗ quí đại cỗ thụ

 

Với nhu cầu xa xỉ nói trên, những cánh rừng nguyên sinh chứa cây gỗ quý tuổi trên trăm năm đã bị phá hủy. Ví dụ điển hình là phóng viên Báo Phụ Nữ ngày 25/4/2019 tường trình cảnh lâm tặc, đồng lõa với nhân viên kiểm lâm làm ngơ,  hạ sát tan nát rừng cổ thụ ở Trà Leng (Trà Mi, Quảng Nam).

- Phá rừng, phá đồi núi để xây chùa trung tâm du lịch tâm linh

 

Hình 5. Phá đồi núi ở đồi 9 Khúc Nha Trang để xây chùa du lịch tâm linh

 

- Quân đội làm kinh tế. Ngày 20/02/1985, Binh đoàn 15 được thành lập có nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh, xây dựng dân cư - xã hội trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Hiện nay, Binh đoàn quản lý trên 44.000 ha cao su, 350 ha cà phê, 70 ha lúa nước, trên địa bàn của 3 tỉnh: Gia Lai, Kontum, Quảng Bình, hai nước bạn Lào và Campuchia. Binh đoàn đã xây dựng 6 nhà máy chế biến mủ cao su tổng công suất 40.000 tấn/năm, 01 nhà máy sản xuất phân bón vi sinh công suất 20.000 tấn/năm (7). Binh đoàn có nhiều công ty, như Công ty 72 có nhiệm vụ khai hoang, Công ty 74 khai thác cao su, Công Ty 15 canh tác cà phê, v.v. Binh đoàn, vào năm 1985 ngoài số quân nhân còn thuê thêm 5.000 lao động, tăng lên hơn 17.000 lao động vào thời điểm 1990. Khai thác gỗ rừng cũng là một nguồn ngân sách lớn (7).

- Phá rừng nguyên sinh làm hồ thủy điện. Theo Cơ quan năng lượng Việt Nam, tổng công suất thủy điện của Việt Nam vào năm 2017 khoảng 35.000 MW, trong đó 60% tập trung tại miền Bắc, 27% phân bố ở miền Trung (gồm cả cao nguyên) và 13% thuộc khu vực miền Nam. Theo lý thuyết, hồ thủy điện hay hồ thủy lợi giúp điều hòa lượng nước chảy vào hạ lưu, mùa mưa tích trữ nước làm giảm lũ lụt, mùa nắng vận hành nhà máy thả nước xuống hạ lưu để canh tác và sinh hoạt. Tình trạng ở Việt Nam, đặc biệt là duyên hải Miền Trung từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, mùa mưa thì có lũ lớn và đột ngột làm chết người và tài sản mùa màng do nhà máy thủy điện xả lũ, vào mùa nắng thì hạ lưu không có nước cho mùa màng và sinh hoạt, nước mặn xâm nhập vào đồng ruộng. Chẳng hạn, thành phố Đà Nẵng hiện nay không có nước sinh hoạt trong mùa khô hạn (Báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật 27/6/2009).

Khoảng 20 năm qua, nhiều dự án thủy điện có quy mô và công suất khác nhau đã được xây dựng và còn nhiều dự án đang quy hoạch ồ ạt tại miền Trung, đặc biệt là từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và các tỉnh ở Tây Nguyên.

Hiện nay, các tỉnh Miền Trung và Tây Nguyên có 30 nhà máy thủy điện lớn, và 171 nhà máy thủy điện trung và nhỏ, đang hoạt đông, sản xuất tổng cộng 8185,6 MW điện (Bảng 2). Tỉnh Quảng Nam có nhiều nhà máy thủy điện nhất (5 lớn + 16 nhỏ; 1428 MW), kế là Nghệ An (3 lớn + 16 nhỏ; 1018 MW). Ở Tây Nguyên, hai tỉnh đứng đầu là Kontum (2 lớn + 20 nhỏ; 721.4 MW) và Gia Lai (2 lớn + 19 nhỏ; 1215,6 MW) (Bảng 2).

Một phần các sông suối ở Kontum chảy vào địa phận Quảng Nam và Quảng Ngải; sông suối ở Gia Lai chảy vào Bình Định và Phú Yên; và Đắk Lắk chảy vào Khánh Hòa. Vì vậy, khi có mưa lớn ở Tây Nguyên, hay các đập thủy điện ở Tây Nguyên xả lũ thì có khuynh hướng có lũ lụt ở đồng bằng Miền Trung.

BẢNG 2. Danh sách thủy điện ở Miền Trung và Tây Nguyên (theo tài liệu 22)

Tỉnh

Nhà máy lớn

Nhà máy nhỏ và trung

 

Số lượng

Công xuất (MW)

Số lượng

Công Xuất (MW)

Thanh Hóa

2

362

12

419,6

Nghệ An

3

600

16

418

Hà Tỉnh

 

 

2

47

Quảng Bình

 

 

2

24

Quảng Trị

 

 

9

117,4

Thừa thiên –Huế

1

170

10

267,4

Quảng Nam

5

846

16

582

Quảng Ngải

1

173

8

190,1

Bình Định

 

 

6

145,9

Phú Yên

1

220

2

88

Khánh Hòa

 

 

3

72

Ninh Thuận

 

 

5

31,6

Bình Thuận

1

475

2

39

Kontum

2

320

20

401,4

Gia Lai

2

980

19

235,6

Đắk Lắk

 

 

8

138,4

Đắk Nông

1

144

8

106,4

Bình Phước

1

225

4

176

Lâm Đồng

 

 

13

323,8

Kontum+Gia Lai

3

576

1

63

Đăk Nông+ Đắk Lắk

2

500

2

166

Lâm Đồng+Ninh Thuận

1

160

 

 

Lâm Đồng+Bình Thuận

1

300

 

 

Lâm Đồng+Đắk Nông

3

670

 

 

Phú Yên+Đắk Lắk

 

 

1

64

Lâm Đồng+Đắk Lắk

 

 

2

48

Tổng cộng

30

6721

171

1464,6

           



Để làm một thủy điện, một diện tích lớn rừng ở các thung lũng đầu nguồn bị phá để làm hồ chứa nước, đa số là rừng già, rừng nguyên sinh. Kế theo là xây dựng hệ thống hạ tầng như trạm, đường, công trình quản lý liên quan đòi hỏi phải san đồi núi, phá rừng, điều này lại làm gia tăng lũ lụt (24).

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng, hiện cả nước có hơn 6.500 hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích 11 tỷ m³ nước, trong đó có hơn 560 hồ chứa lớn, còn lại đều là loại hồ chứa nhỏ (17).

Theo tính toán của chuyên gia, trung bình cứ mỗi nhà máy thủy điện được hình thành, sẽ có 125 ha rừng bị xóa sổ. Một thống kê khác cũng cho thấy, cứ 1 MW điện làm biến mất 10 - 14,5 ha rừng, làm ảnh hưởng 5,5 hộ dân, trong đó 1,5 hộ phải di dời (18). Dựa vào số liệu trên, trong địa phận Miền Trung, với 201 nhà máy thủy điện lớn nhỏ sản xuất tổng cộng 8186 MW (Bảng 7), thì  khoảng 81.860 đến 118.691 ha rừng đã bị hủy diệt.

Quảng Nam được xem là “xứ sở thủy điện” ở khu vực miền Trung, với hơn 30 dự án thủy điện được quy hoạch phân bố trên khắp 10 huyện miền núi của tỉnh với tổng công suất lắp máy lên tới hơn 1.500 MW. Trong đó, để xây dựng Thủy điện Sông Bung 4, cả một diện tích rừng gần trăm ha tại huyện Nam Giang tại địa bàn này đã “biến mất” (19).

Theo thông tin truyền thông nhà nước, đã có hơn 50.000 ha rừng bị tàn phá để nhường chỗ cho 824 nhà máy thủy điện. Trung bình để xây một thủy điện mất hết 59 ha rừng (20).

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, phá rừng, xây thủy điện là nguyên nhân chính của lũ quét, sạt lở đất. Từ năm 2010 đến 2019 đã xảy ra 260 trận lũ quét, sạt lở đất ảnh hưởng tới các vùng dân cư, làm chết và mất tích 910 người, thiệt hại về kinh tế ước tính hàng chục nghìn tỉ đồng (20).

Mục tiêu chính  của các thủy điện nhỏ - “thủy điện cóc” -  phá rừng  để bán  gỗ và khai thác khoáng sản, như vàng và các kim loại quý. Khu vực thủy điện Rào Trăng 3 là vùng có vàng và nhiều kim loại quý. Nguồn lợi từ phá rừng bán gỗ và khai thác vàng vô cùng to lớn. Bán điện chỉ là mục đích thứ ba (28, 20).

Chỉ với 3 thủy điện là Alin B2, Rào Trang 3 và Rào Trăng 4 tại huyện Phong Điền (Thừa Thiên – Huế) đã phá đến 200 ha rừng (20). Do đó khi gặp mưa lớn sẽ gây ra sạt lở đất đá. Theo thống kê, trong thời gian qua, huyện Phong Điền xảy ra 40/42 điểm trượt  taluy (20).

Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, trong 4 năm từ 2016 - 2019, diện tích rừng bị thiệt hại lên tới 7.283 ha, tức mỗi năm Việt Nam mất đi 2.430 ha rừng, tập trung chủ yếu ở miền Trung và Tây Nguyên (21).

Tại Tây Nguyên, chỉ trong 5 năm (2008 - 2013), rừng  mất hơn 130.000 ha (trong số 2,84 triệu ha), trong đó rừng tự nhiên mất hơn 107.400 ha, rừng trồng mất trên 22.200 ha (24).

Thật vậy, khi chưa có kế hoạch phát triển thủy điện, Việt nam đã đứng đầu việc tiêu diệt rừng ở vùng Đông Nam Châu Á (Bảng 3, 22), và hạng thứ 2 trên thế giới sau Nigeria (24). Độ che phủ rừng của Việt Nam khoảng 55% ở thập niên 1960, chỉ còn 17% ở thập niên 1990 (Bảng 3)

Bảng 3. Diện tích rừng che phủ biến đổi trong thời gian cuối thập niên 60 và cuối thập niên 1980 (13).


 

Từ năm 2010 đến 2015, 300.000 ha rừng tại Việt Nam bị đốn hạ - tương đương với bốn lần diện tích thành phố New York, và chỉ riêng trong năm 2018, 10.000 ha rừng của Việt Nam biến mất (8).

 

HIỆN TRẠNG RỪNG Ở VIỆT NAM VÀ ĐẶC BIỆT MIỀN TRUNG.

Ở Pháp có câu nói: “Rừng có trước con người, sa mạc đi theo sau con người” (Les forêts précèdent les peuples, les déserts les suivent”. Con người chính là nguồn hủy diệt rừng và sa mạc hóa đất đai hay lũ lụt.

Dựa trên những dữ kiện ước tính khoa học hiện đại nhất các nhà khoa học ước tính con người đã phá hủy khoảng 15 tỉ cây rừng mỗi năm, và kể từ khi biết trồng trọt cách đây 12 ngàn năm con người đã phá hủy 46% rừng toàn thế giới (9).

Trước Đệ Nhị Thế Chiến (1939 – 1945), không có tài liệu chính xác về diện tích các loại rừng ở Việt Nam.

Bản đồ Nam Kỳ (Hình 6) cho thấy vào năm 1890, rừng chiếm khoảng 60% diện tích. So sánh với Hình 8, ngày nay rừng không còn bao nhiêu.

 

 


 

Hình 6. Rừng ở Nam Kỳ vào năm 1890 (3)

 

 

Hình 7. Rừng ở Đông Dương vào khoảng 1934 (2)

 

Trước 1975, qua phân tích, giải đoán không ảnh tỷ lệ 1/40.000 cho thấy Miền Nam Việt Nam (phía nam vĩ tuyến 17) có 12.660.000 ha rừng đủ loại trên tổng số diện tích đất đai 16.800.000 ha 12.660.000 ha rừng, như vậy rừng chiếm 75,36% tổng diện tích lãnh thổ VNCH (10).

 

BẢNG 4. Diện tích các loại rừng ở Miền Nam Việt Nam vào năm 1962 (10)

 

 

   

Cũng theo tài liệu này (10), trước 1972 Việt Nam Cộng Hòa còn trên 3 triệu rừng dày nguyên sinh.

Vào khoảng cuối thập niên 1970, Việt Nam (thống nhất) còn khoảng 18,15 triệu ha rừng các loại, chiếm 55% tổng diện tích cả nước, nhưng tới cuối thập niên 1990 chỉ còn 5,67 triệu ha rừng các loại, chiếm 17% tổng diện tích cả nước (11).

Theo ước tính của Ngân hàng Phát triển Á Châu ADB (Asian Development Bank) trong thời gian 1976 – 1990, rừng tự nhiên ở Việt Nam bị phá hủy với tốc 185.000 ha/năm và đến năm 2010 chỉ còn lại khoảng 80.000 ha rừng tự nhiên, chiếm 1% trong tổng số diện tích đất rừng 13.8 triệu ha (12). 

Riêng tại Tây Nguyên, gồm các tỉnh Gia Lai, Dak Nông và Lâm Đồng, trong các năm từ 1975 đến 2013 trung bình mỗi năm có 40.000 đến 50.000 ha rừng bị tận diệt để canh tác cà phê, điều, tiêu (6), và theo số liệu của Tổng Cục Lâm Nghiệp Hà Nội, cũng trong thời kỳ này toàn vùng tây nguyên bị tàn phá khoảng 32,8% diện tích rừng tự nhiên, từ 3,8 triệu ha, giảm còn 2,5 triệu ha. 

Một nghiên cứu chi tiết và khoa học đáng tin cậy riêng cho Lâm Đồng. Vào năm 1958, Lâm Đồng có 405 ngàn rừng tự nhiên và 294 ngàn ha rừng thông, chiếm 70% tổng diện tích toàn khu vực; và 33 năm sau (1992) chỉ còn 233 ngàn ha rừng tự nhiên (giảm 42,5%) và 127 ngàn ha rừng thông (giảm 56,8%), chiếm tỷ lệ 35% tổng diện tích đất năm 1992 (13).

Một câu hỏi khó trả lời là vào thời điểm 2020, Việt Nam còn thật sự bao nhiêu rừng ?

Sau đây là bảng vẻ bản đồ rừng so sánh mức phá hủy rừng qua các thời kỳ.

 


 

Hình 8. Rừng Việt Nam vào năm 1943 và 1987 ()

 


 

Hình 9. Rừng ở Việt Nam và Đông Nam Á vào năm 1970 và 1990 (13)

 

Theo các tài liệu được thừa nhận, năm 1943 rừng chiếm 43% diện tích toàn quốc, giảm xuống chỉ còn 20%, hay 16% vào năm 1993 (13) (Bảng 5).

 

Bảng 5. Biển đổi độ che phủ rừng trong thời gian từ 1943 đến 1996 (3)



 

Theo Vo Quy và Le Thac Can (1994), vào khoảng 1995, Việt Nam trồng lại rừng khoảng 100.000 – 160.000 ha/năm, nhưng đồng thời rừng bị phá hủy 200.000 ha/năm. Cũng cần biết thêm là trồng lại rừng chỉ với một giống thuần chủng, hay với giống không thích ứng như cây khuynh diệp (bạch đàn) làm hư hại đất thêm (14).

Ngày nay, chụp ảnh rừng với độ phân ảnh cao nhờ vệ tinh, cho thấy sự phá hủy rừng rất rõ rệt trong thời gian ngắn.

 


 

Hình 10. Hình vệ tinh rừng cao nguyên Trung phần năm 1984 và 2016
(Satellite Imagery/Google Earth) (15)

 

 

 


 

Hình 11. Hình ảnh vệ tinh trên Google Map tại Ngã ba Đông Dương, nơi tiếp giáp 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia (phía Việt Nam thuộc Pờ Y, Ngọc Hồi, tỉnh Kontum) cho thấy diện tích rừng phía Việt Nam hầu như không còn (8,15).

Theo BBC (8), ông Huy Nguyễn, nghiên cứu viên về Quản lý thảm họa tự nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu tại Đại học Kyoto công bố trên Facebook những bức ảnh vệ tinh sử dụng phương pháp tách các lớp ảnh, chạy time-lapse, cho thấy diện tích rừng Việt Nam bị mất trong 20 năm qua.

 


 

Hình 12. Diện tích có màu đỏ là rừng nguyên sinh bị mất trong vòng 20 năm qua (2000 – 2020) và được thay thế bằng diện tích trồng cây công nghiệp (cao su, cà phê, tiêu, điều, chuối, và đặc biệt là trồng keo lấy gỗ (8).

Ngày nay, với kỹ thuật sử dụng vệ tinh Landsat được nhóm nghiên cứu chụp ảnh và phân tích cho các năm 1990, 2000, 2005, và 2010 (16), và cho thấy có sự sai biệt trái ngược về diện tích rừng giữa Landsat và FAO. Điều này cũng dễ hiểu, vì FAO lấy dữ kiện từ mỗi quốc gia, đều có khuynh hướng chính trị tô hồng dữ kiện và cách định nghĩa độ che phủ khác nhau (16).

Bảng 6. Số liệu biến đổi diện tích rừng của Việt Nam (ha/năm) giữa Landsat so với dữ liệu của  FAO (2010) cho thời gian 1990–2000 và 2000–2010 (16).

 

1990 - 2000

2000 - 2010

Landsat

-60.000*

-172.000*

FAO

236.000

207.000

*Diện tích biến mất

Theo Bảng 6, dữ liệu của Landsat cho thấy diện tích rừng bị mất (dấu -) trung bình hàng năm gia tăng khoảng 2,9 lần giữa 2 thời điểm 1990-200 và 2000-2010, trong lúc dữ kiện của FAO diện tích rừng chỉ biến đổi giảm chút ít (giảm 0,9 lần).

Bảng 7. Diện tích rừng bị mất (ha/năm) và diện tích trồng lại rừng (ha/năm) tại Việt Nam cho các thời gian 1990–2000, 2000–2005, và 2005–2010 (16).

1990-2000

Mất

1990-2000

Trồng rừng

2000-2005

Mất

2000-2005

Trồng rừng

2005-2010

Mất

2005-2010

Trồng rừng

113.030

52.670

183.370

34.760

234.620

39.290

 

Theo Bảng 7, rừng Việt Nam biến mất gia tăng 1,6 đến 2,1 lần ở 3 thời điểm trên, và việc trồng lại rừng thì càng giảm theo thời gian.

Tương tự như vậy, theo Vo Quy and Le Thac Can (1994), vào giữa thập niên 1990, Việt Nam trồng lại rừng khoảng 100.000 – 160.000 ha/năm, nhưng khoảng 200.000 ha/năm bị hủy diệt (13)

Trong Phần 1, các nhà khoa học và quản trị môi trường quyết chắc nguyên nhân của lũ quét, sạt lở đất có liên quan tới độ dốc lớn về địa hình của khu vực miền núi đi liền với diễn biến mưa lớn phức tạp và sự suy giảm độ che phủ rừng - thảm thực vật. Đặc biệt là các tác động của con người, trong đó trọng tâm là chặt phá rừng và xây dựng các hồ chứa, đập thủy điện…" (23).

Để giải thích sự liên quan đó, GS Nguyễn Ngọc Lung, chuyên gia ngành lâm nghiệp Việt Nam cho rằng “lũ lụt, sạt lở ngày càng trầm trọng là do mất rừng. Rừng nhiệt đới có nhiều tầng, có cây 40-50 m, dưới còn có thảm thực vật và các tầng cây khác. Nếu lượng mưa không lớn, nước chỉ ở trên tầng các lá cây, thậm chí không rơi được xuống đất. Còn khi nước mưa xuống đất, đã có lớp đầu thảo mục (cành, lá cây mục…) sẽ giữ nước tới 80-90% và ngấm dưới đất tạo thành mạch nước ngầm. Còn nước mặt 10-20% là lượng nhỏ, ít có khả năng gây lũ ống, lũ quét cho con người. Cũng theo ông, với các loại rừng khác, chỉ có tác dụng cản lũ và giữ nước khoảng 20-50% so với rừng tự nhiên” (24).

Để kết luận Phần 2, thiết tưởng cần nhấn mạnh hậu quả của việc phá rừng, tóm tắt trong vài câu thơ ngắn sau đây:

“Thần dân nghe chăng?

Sơn hà nguy biến

Rừng dày nào còn

Xoi mòn đang tiến”

(GS Phạm Hoàng Hộ “Cây Cỏ Việt Nam” 1999)

Và:

“Au plus profond des bois, la Patrie a son Coeur

Un peuple sans forêt est un peuple qui meurt”

(Thi sĩ André Theuriet)

“Người hỡi!

Hồn Tổ Quốc ngự giữa rừng sâu thẩm

Rừng điêu tàn là Tổ Quốc suy vong”

[Kỹ sư Thủy Lâm (? -1990) ở Miền Bắc dịch năm 1952]

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Mạnh Hùng (2007). Nhìn lại sử Việt, từ Tiền Sử đến Tự chủ. Tổ hợp xuất bản Miền Đông Hoa Kỳ, trang 174 – 175.

2. Marlène Buchy (1993). Histoire forestière de l’Indochine (1850 – 1954). Perpective de recherche. Outre-Mers. Revue d'histoire  Année 1993,  299,  pp. 219-249.

3. Frédéric Thomas (2000). Forêts de Cochinchine et « bois coloniaux », 1862-1900. Autrepart (15), 2000 : 49-72.

 https://core.ac.uk/download/pdf/39846882.pdf

4. Mark N. Collins (1990) The Last Rain Forests: A World Conservation Atlas, 1990.

5. Wikipedia. Tây Nguyên. 
https://vi.wikipedia.org/wiki/T%C3%A2y_Nguy%C3%AAn

6. Quân Đội Nhân Dân Online (22/4/2020). Bài 2: Khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát triển kinh tế nhanh, bền vững.
https://www.qdnd.vn/tien-toi-dai-hoi-xiii-cua-dang/nghi-quyet-va-
cuoc-song/bai-2-khai-thac-tiem-nang-the-manh-phat-trien-kinh-te-
nhanh-ben-vung-615957

7. Báo Dân Vận (17/10/2019). Binh Đoàn 15 phát triển kinh tế.
http://danvan.vn/Home/Tin-hoat-dong/Dia-phuong-don-vi/10864/
Binh-doan-15-Phat-trien-kinh-te-xa-hoi-gan-voi-tang-cuong-quoc
-phong-an-ninh-xay-dung-the-tran-long-dan-tren-dia-ban-Tay-Nguyen

8. BBC (22/10/22020). Vì sao thiên tai ở miền Trung VN ngày càng trầm trọng? https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54626203

9. T. W. Crowther và 36 tác giả (2/9/2015). Mapping tree density at a global scale. Nature, 2015; DOI: 10.1038/nature14967

10. Rollet. B, Memorandum on the Vegetation of Việt Nam South of Parallel 17 North, 1962, 1972. 

11. Mark N. Collins, Jeffrey A Sayer, Timothy C. Withmore (1991). The Conservation Atlas of Tropical Forests: Asia and the Pacific, 1991. 

12 . FAO (2012).  Food and Agricultural Organization of the United Nations, Global Forest Land-Use Change 1990-2005, FAO Forestry Paper No. 169 (Food and Agricultural Organization of the United Nations, Rome, 2012).

13. Rodolphe De Koninck, Deforetation in Việt Nam, 1999. International Development Researcg Centre, Canada xuất bản.
https://idl-bnc-idrc.dspacedirect .org/bitstream/handle/10
625/24496/IDL-24496.pdf?sequence=1&isAllowed=y

14. Vo Quy. 1996. The environmental challenges of Vietnam's development. In Draft report. Regional Seminar on Environmental Education, 19—22 March 1996, University of Hanoi, Center for Natural Resources and Environmental Studies, Hanoi, Viet Nam. pp. 4-20. Vo Quy; Le Thac Can. 1994. Conservation of forest resources and the greater biodiversity of Vietnam. Asian Journal of Environmental Management, 2 (2), 55-59.

15. Nguyễn Hoàng Dân (2018) Rừng miền nam Việt Nam (nam vĩ tuyến 17) xưa và nay - còn hay mất? http://danlambaovn.blogspot.com/2018/09/rung-
mien-nam-viet-nam-nam-vi-tuyen-17.html

16. Do-Hyung Kim, Joseph O. Sexton and John R. Townshend  (2015). Accelerated deforestation in the humid tropics from the 1990s to the 2000s. Geography Research Letters.

17. Wikipedia. Thủy điện.

 https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BB%A7y_%C4%91i%E1%BB%87n

18. Nguyễn Quang Di (10/2020). Lũ lụt Miền Trung: Nguyên nhân và hệ quả.

19. Người Việt Online (27/6/2009). Miền Trung Việt Nam héo hon vì thủy điện.

20. Ngàn Hương (20/10/2020). Vụ sạt lở kinh hoàng tại thủy điện Rào Trăng 3 nói lên điều gì?
http://www.tintuchangngay.org/2020/10/ngan-huong-vu-sat-lo-
kinh-hoang

21. Báo Lao Động (30/10/2020).  Vì sao thảm họa lũ lụt, sạt lở liên tiếp xảy ra ở miền Trung?
https://laodong.vn/xa-hoi/vi-sao-tham-hoa-lu-lut-sat-lo-l
ien-tiep-xay-ra-o-mien-trung-849976.ldo

22. Wikipedia. Danh sách các thủy điện tại Việt Nam.

https://vi.wikipedia.org/wiki/Danh_s%C3%A1ch_c%C3%A1c_th%E1%BB%
A7y_%C4%91i%E1%BB%87n_t%E1%BA%A1i_Vi%E1%BB%87t_Nam

23. Báo Tuổi trẻ (ngày 09/07/2018). Phá rừng, xây thủy điện là nguyên nhân của lũ quét, sạt lở đất.

https://tuoitre.vn/pha-rung-xay-thuy-dien-la-nguyen-nhan-
cua-lu-quet-sat-lo-dat-201807091320323.htm

24. Wikipedia (3/11/2020). Nạn phá rừng ở Việt Nam.
https://vi.wikipedia.org/wiki/N%E1%BA%A1n_ph%C3%A1_r%E1%BB%ABng
_%E1%BB%9F_Vi%E1%BB%87t_Nam

 

Xem thêm:

Toàn cảnh Rừng phòng hộ đầu nguồn, trải dài từ Huế ra Quảng Trị- giáp Quảng Bình (2020)

Dữ liệu : Google Earth

Nguồn FB Trinh Xuan Luc

https://www.facebook.com/nclspage/videos/2384862848475820/

 

Reading, 3/11/2020

Trần-Đăng Hồng, PhD

https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 229199 visitors (434512 hits) on this page!