Biến đổi khí hậu và an toàn thực phẩm
12/9/2020

BIỂN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ AN TOÀN THỰC PHẨM LÚA GẠO

Nguyễn Văn Ngưu PhD

 

GIỚI THIỆU

Sản xuất lúa gạo có đóng góp thiết yếu vào công việc giảm đói và giảm nghèo khổ cho dân chúng trên thế giới. Lúa là một trong năm loại cây lương thực chính của thế giới. Cây lúa  sản xuất ra hạt lúa hay hạt thóc. Hạt thóc sau khi xay trở thành hạt gạo. Sau khi nấu, gạo trở thành cơm – thức ăn chính của người Việt cho dù họ ở tại Việt Nam, Gia Nã Đại, Mỹ, Đức, Ý, Pháp, hay ở bất cứ ở đâu. Vào thập niên 1960s, hai câu thơ sau đây được xuất hiện ở Sài gòn, nói lên tầm quan trọng của cơm trong đời sống của người Việt Nam.

Ngày hai bữa cơm no

Đời vui như thế đó

Cơm cũng là thức ăn chính của hơn một nửa (more than 1/2) dân số toàn cầu. Những nổ lực phối hợp và phối hợp để tăng gia sản xuất lúa gạo từ năm 1960, và nhất là qua chương trình Cách Mạng Xanh (Green Revolution), đã tăng gia sản xuất lúa trên toàn cầu để đáp ứng cho tăng gia về nhu cầu thực phẩm của dân sở toàn cầu. Dân số thế giới sẽ còn tiếp tục gia tăng. Trong khi đó, những nghiên cứu gần đây cho thấy rằng những thay đổi khí hậu thế giới như tăng nhiệt độ, mức nước biển dâng cao và số lượng và sự phân phối của nước mưa sẽ xảy ra trong bối cảnh thay đổi khí hậu thế giới có thể đem tới những thay đổi quan trọng về tài nguyên đất và nước của công việc trồng lúa và năng suất lúa trồng trên các vùng khác nhau của thế giới (Ref 1 và Ref 2). Những số liệu sau đây về sản xuất lúa gạo, tiêu thụ lúa gạo và biến đổi khí hậu thế giới cung cấp một sự đánh giá tổng quát về liên hệ giữa an toàn thực phẩm lúa gạo và biến đổi khí hậu thế giới.

SẢN XUẤT LÚA GẠO

Cây lúa có thể được gieo trồng trong các ruộng khô như lúa nương, lúa rẫy, lúa đất khô (upland) hay trong các ruộng ngập trong một lớp nước không sâu lắm từ nước mưa (rainfed lowland) hay từ nước tưới tiêu (irrigated rice). Ở một vài khu vực có mực nước sâu, người ta cũng có thể trồng các giống lúa mà dân gian gọi nôm na là lúa nổi. Tổng sản lượng lúa toàn cầu tăng từ 220,612,000 tấn trong năm 1960 lên đến 519,458,000 tấn trong năm 1990 và 728,066,000 tấn trong năm 2018 (Bảng số 1). Trong thời gian 30 năm từ 1960 đến 1990, tổng sản lượng lúa toàn cầu tăng 298,846,000 tấn hay tăng 9,961,533 tấn một năm. Trong khi đó, trong thời gian 28 năm từ 1990 đến 2018, tổng sản lượng lúa toàn cầu tăng 208,608,000 tấn, hay tăng 7,450,285 tấn một năm. Do đó, mức độ tăng hàng năm của tổng sản lượng lúa toàn cầu trong giai đoạn từ 1990 đến 2018 thì nhỏ hơn chừng 2,511,248 tấn so với mức độ tăng hàng năm của tổng sản lượng lúa toàn cầu trong giai đoạn từ 1960 đến 1990 (Bảng số 1).

Sản lượng lúa toàn cầu tăng do tăng gia diện tích gặt và tăng gia năng suất. Diện tích gặt lúa tăng từ 120,138,000 mẫu tây trong năm 1960 lên đến 146,985,000 mẫu tây trong năm 1990 và 161,616,000 mẫu tây trong năm 2018. Trong khi do, năng suất lúa tăng từ 1.84 tấn/mẫu tây trong năm 1960 lên đến 3.53 tấn/mẫu tây trong năm 1990 và 4.51 tấn/mẫu tây trong năm 2018 (Bảng số 1).

Bảng số 1 Sản lượng lúa, diện tích gặt lúa và năng suất lúa toàn cầu trong các năm 1960, 1990, và 2018

 

Sản lượng lúa (tấn )

Diện tích gặt (mẫu tây)

Năng suất (tấn/mẫu tây)

1960

220,612,000

120,138,000

1.84

1990

519,458,000

146,985,000

3.53

2018

728,066,000

161,616,000

4.51


Ref 3 = USDA, http://ricestat.irri.org:8080/wrsv3/entrypoint.htm

Diện tích gặt lúa toàn cầu tăng chừng 28,847,000 mẫu tây, hay tăng chừng 894,900 mẫu tây một năm, trong 30 năm từ 1960 (120,138,000 mẫu tây) đến 1990 (146,985,000 mẫu tây). Sau đó, trong 28 năm kế tiếp, diện tích gặt lúa toàn cầu tăng chừng 14,631,000 mẫu tây trong năm 1990 đến161,616,000 mẫu tây trong năm 2018, hay tăng chừng 371,108 mẫu tây một năm. Tăng gia diện tích gặt lúa từ năm 1960 đến năm 2018 là do bởi hai yếu tố sau  (1) mở rộng diện tích trồng lúa và (2) trồng hai hay ba vụ lúa hàng năm trên một diện tích (crop intensification) nhờ sự tạo ra các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn (ví dụ 100 ngày thay vì 150 ngày).

Năng suất lúa toàn cầu tăng từ 1.84 tấn/mẫu tây trong năm 1960 lên tới 3.53 tấn/mẫu tây trong năm 1990 và rồi tăng lên đến 4.51 tấn/mẫu tây trong năm 2018 (Bảng số 1). Trong 30 năm từ 1960 đến 1990 năng suất lúa toàn cầu tăng 0.056 tấn/mẫu tây một năm và mức độ tăng này đã giảm xuống đến 0.034 tấn/mẫu tây một năm trong 28 năm từ 1990 đến 2018.

Ngành trồng lúa trên thế giới kéo dài từ Amur River ở vĩ tuyến 53 Bắc (53° N latitude) đến trung phần (central) Argentina ở vĩ tuyến 40 Nam (40° S latitude). Cây lúa cũng được trồng trong vùng khí hậu mát lạnh ở cao độ 2600 mét trên mực nước biển ở vùng núi non của nước Nepal cũng như dưới sa mạc nắng nóng của nước Egypt. Song le, phần lớn sản xuất lúa gạo được xảy ra ở những vùng có khí hậu nhiệt đới (tropical climate areas). Trong năm 2004, có hơn 75% của diện tích lúa gặt (hay 114 triệu mẫu từ 150 triệu mẫu) ở trong vùng khí hậu nhiệt đới, từ Tropic of Cancer trong Bắc Bán Cầu và Tropic of Capricorn trong Nam Bán Cầu (Bảng Số 2). Vùng khí hậu nhiệt đới bao gồm hết các nước ở Đông Nam Á, Bangladesh, Sri Lanka, gần hết các tiểu bang có lúa trồng của India, gần hết các nước có lúa trọng của Africa sub-Sahara; và số lớn các nước có lúa trồng ở Latin America và Caribbean.

 

Bảng Số 2 Diện tích lúa gặt của thế giới, năm 2004*

 

Diện tích lúa gặt (mẫu tây)

Ở trong vùng khí hậu nhiệt đới

114,794,445

Ở ngoài vùng khí hậu nhiệt đới

36,224,740

Toàn thế giới

153,019,185

* với ước tính rằng chừng 1,119,450 mẫu tây ở Brazil; 5,830,000 mẫu tây ở China; 135,000 mẫu tây ở Taiwan; 39,725,000 mẫu tây ở India; và 25,250 mẫu tây ở Mexico là ở trong vùng khí hậu nhiệt đới

TIÊU THỤ LÚA GẠO

Cây lúa chiếm vai trò quan trọng trong việc nuôi sống trên 3 tỷ người trên thế giới và là một trong năm loại cây lương thực chính của thế giới. Gạo là một sản phẩm lương thực thu từ cây lúa – hạt lúa hay hạt thóc. Sau khi xay hạt thóc tro thanh gạo. Gạo là một nguồn cung cấp năng lượng cho cơ thể và là loại lương thực thiết yếu của gần một nửa dân số thế giới ở trong hơn 100 quốc gia. Dân số thế giới tăng từ 3.034 tỷ người trong năm 1960 lên đến 5.327 tỷ người trong năm 1990 và lên đến 7.631 tỷ người trong năm 2018 (Bảng số 2). Thế giới sản xuất 150,821,000 tấn gạo trong năm 1960; 351,406,000 tấn gạo trong năm 1990; và 487,353,000 tấn gạo trong năm 2018 (Bảng số 3). Trong khi đó dân số thế giới tiêu thụ 156,139,000 tấn gạo trong năm 1960; 343,847,000 tấn gạo trong năm 1990; và 485,304,000 tấn gạo trong năm 2018 (Bảng số 3).


Bảng số 3 Dân số thế giới, lượng gạo sản xuất toàn cầu và lượng gạo tiêu thụ bời toàn dân số thế giới trong các năm 1960, 1990, và 2018

 

Dân số thế giới (tỷ người)*

Lượng gạo sản xuất (tấn)**

Lượng gạo tiêu thụ (tấn)**

1960

3.034

150,821,000

156,139,000

1990

5.327

351,406,000

343,847,000

2018

7.631

487,353,000

485,304,000


* Ref 4 = https://www.worldometers.info/world-population/world-population-by-year/

** Ref 3 = http://ricestat.irri.org:8080/wrsv3/entrypoint.htm

Dựa trên năng lượng lấy ra từ lương thực từ gạo, Bảng số 4 cho thấy trong năm 2002 chừng 3.08 tỉ người trong số 6.02 tỉ người trên thế giới thuộc về nhóm A – phụ thuộc rất cao vào năng lượng từ gạo; 236.8 triệu người thuộc về nhóm B – phu thuộc tương đối cao vào năng lượng từ gạo; 501.4 triệu người thuộc về nhóm C – phụ thuộc trung bình vào năng lượng từ gạo; và 2.4 tỉ người thuốc và nhóm D – it phụ thuộc vào năng lượng từ gạo.

 

Bảng số 4 Năng lượng lấy ra từ gạo của các nhóm người khác nhau trên thế giới trong năm 2002*

Tùy thuộc vào lúa để có năng lượng

Vị trí tương đối so với vùng khí hậu nhiệt đới

Tên nuớc

Dân số (ngàn người)

Phụ thuộc rất cao (> 800 kilocalories/ người/ngày)

Hoàn toàn ở trong

Bangladesh, Cambodia, Guinea-Bissau, Guyana, India, Indonesia, Laos, Madagascar, Myanmar, Nepal, Philippines, Sri Lanka, Thailand, Timor-Leste, Vietnam

1,762,354

Ở trong chỉ một phần

China

1,272,403

Ở ngoài

North Korea

47,430

Phụ thuộc cao (500-799 kilocalories/ người/ngày)

Hoàn toàn ở trong

Brunei, Comoros, Costa Rica, Cote d’ Ivoire, Cuba, Guinea, Guyana, Liberia, Malaysia, Maldives, Mauritus, Senegal, Sierra Leone, Solomon Island, Suriname, Vanuatu,

86,394

Ở trong chỉ một phần

China Macao SAR

460

Ở ngoài

South Korea, Japan

150,019

Phụ thuộc trung bình (300-499 kilocalories/ người/ngày)

Hoàn toàn ở trong

Cape Verde, Colombia, Dominican Republic, Ecuador, Fiji, French Polynesia, Gabon, Gambia, Haiti, Kiribati, Mali, Mauritania, Nicaragua, Panama, Peru, Sao Tome and Principe

128,230

Ở trong chỉ một phần

Brazil, Hong Kong, Taiwan

205,701

Ở ngoài

Egypt, Iran, Kuwait, Saudi Arabia, United Emirates

167,477

It phụ thuộc (<300 kilocalories/ người/ngày)

Các nước còn lại

2,404,510

Tổng số

   

6,224,978

*Ref 2 = N.V. Nguyen 2005 Global climate changes and rice food security. PP 24-30, International Rice Commission Newsletter Vol 54

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Sự quan tâm và chú ý về biến đổi khi hậu từ các hoạt động của loài người và ảnh hưởng tiềm năng của chúng bắt đầu ngày 16 February 2005 khi Kyoto Protocol bắt đầu có hiệu lực. Số lượng khổng lồ của khí gây hiệu ứng nhà kính (greenhouse gases) được cho thoát ra vào bầu khí quyển do khai thác mõ và đốt cháy nhiên liệu hóa thạch, tàn phá rừng, nuôi dưỡng những đàn súc vật vả ngay cả sản xuất lúa. Sự thoát ra (emission) của khí methane và nitrous dioxide từ canh tác lúa nước (lowland rice cultivation) và sự tàn phá rừng cây quá canh tác lúa đất khô (upland rice cultivation) qua hệ thống canh tác luân chuyển (shifting cultivation) là những đóng góp quan trọng vào biến đổi khí hậu.

Sự tích luỹ của khí gây hiệu ứng nhà kính trong bầu khí quyển làm thế giới ấm lên và gây ra biến đổi khí hậu. Trong năm 2001 IPCC (Inter-governmental Panel on Climate Change) tường trình rằng nhiệt độ của bầu khí quyền của thế giới đã tăng 0.6 độ C trong thế kỷ vừa qua và ước tính rằng vào năm 2100, nhiệt độ trung bình sẽ tăng lên giữa 1.4 và 5.8 độ C. IPCC cũng tường trình rằng nước biển sẽ tăng lên giữa 10 đến 20 cm và đó chế của bằng đá (snow and ice) đã giảm xuống, trong khi đó sự phân phối nước mưa ở Bác Bán Cầu (Northern Hemishere) đã dần dần thay đổi, và mực nước biển tăng lên chừng 0,09 đến 0.88 mét giữa 1990 và 2100.

ẢNH HƯỞNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TRÊN SẢN XUẤT LÚA

Thời tiết có ảnh hưởng rất lớn trên khả năng sinh trưởng và năng suất của cây lúa. Người nông dân Việt Nam ngày xưa biết điều này và họ diễn tả những lo âu về thay đổi thời tiết trong mùa lúa của họ và cầu mong của họ qua ca dao sau đây

Người ta đi cấy lấy công

Tôi nay đi cây còn trông nhiều bề

Trông trời, trông đất, trông mây

Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm

Trông cho chân cứng đá mềm

Trời êm, bể lặng mới yên tâm lòng

An ninh lương thực của hơn một nửa dân số thế giới tuỳ thuộc vào khả năng cung cấp và phân phối lúa gạo của thế giới. Cung cấp lúa gạo tuỳ thuộc vào sản xuất lúa toàn cầu, trong khi đó sự phân phối lúa gạo tuỳ thuộc vào khoảng cách giữa nơi sản xuất và nơi tiêu thụ lúa gạo và hệ thống giao thông và cơ sở vật chất. Những nghiên cứu đề xuất rằng tăng gia nhiệt độ, mức nước biển tăng và thay đổi của khuôn mẫu mưa rơi và phân phối nước mưa do biến đổi khí hậu có thể dẫn đến sửa đổi quan trọng về tài nguyên đất và nước cho công việc sản xuất lúa cũng như năng suất của cây lúa trồng ở các vùng khác nhau trên thế giới. Trong năm 1992, có báo cáo rằng vùng sản xuất nông nghiệp cốt lỏi của Zimbawe có thể bị giảm chừng 67% với một tăng giá nhiệt độ chừng 2 độ C (Ref 6). Một bảng tường trình sau đó cũng để xuất rằng sự tăng gia nhiệt độ lớn nhất có thể xảy ra ở trong vùng đất nông nghiệp có vĩ độ thấp của những vùng có khí hậu nhiệt đới (Ref 7). Darwin et al (Ref ước tính rằng diện tích đất được xếp hạng 6 hay đất trồng lúa, bắp, mía đường và cao su có thể giảm từ 18.4 đến 51 % trong thế kỷ tới bởi vì biến đổi khí hậu.

Ảnh Hưởng Trên Năng Suất Lúa Do Nhiệt Độ Tăng

Nhiệt độ cực cao hãy cực thấp gây hại cho cây lúa. Trong vùng khí hậu nhiệt đới, nhiệt độ cao vào thời kỳ lúa nở hoa sẽ gây nên bắt thụ và hạt lép (Ref 9). Những nghiên cứu về biến đổi khí hậu đề xuất rằng năng suất của cây lúa sẽ giảm khi nhiệt độ tăng (Ref 10). Bảng số 5 cho thấy nhiệt độ Tối thuận cho sự phát triển của cây lúa tại các giai đoạn tăng trưởng khác nhau.

Bảng số 5 Nhiệt độ tối quan trọng (critical temperature) cho sự phát triển của cây lúa tại các giai đoạn tăng trưởng khác nhau*

Giai đoạn tăng trưởng của cây lúa

Chế độ nhiệt độ (độ C)

Thấp (Low)

Cao (High)

Tối thuận (Optimum)

Nẩy mầm

16-19

45

18-40

Cây mạ phát triển

12

35

25-30

Rể lúa phát triển

16

35

25-28

Lá tăng trưởng

7-12

45

31

Nẩy nhánh

9-16

33

25-31

Panicle differentiation

15-20

30

Nở hoa (Anthesis)

22

35-36

30-33

Lúa chín (Ripening)

12-18

>30

20-29

*Ref 5 = Yoshida, S 1978 Tropical climate and its influence on rice. IRRI Research Paper Series 20, Los Banos, Philippines

Nhiệt độ tăng ở trong các vùng cận nhiệt đới (sub-tropical) và ôn đới có thể có ảnh hưởng tốt hay xấu trên các vụ lúa tùy theo nơi trồng (Ref 11). Cho dù nhiệt độ tăng có thể cho phép sản xuất 2 vụ lúa thay vì một vụ lúa một năm ở một số vùng trong lúa như ở phía bắc Trung Quốc, phần lớn diện tích lúa còn lại trên thế giới sẽ gánh chịu thiệt hại nặng nề bởi các thay đổi như nhiệt độ cao. Cây lúa tăng trưởng chậm lại khi nhiệt độ lên trên 40o C hoặc xuống dưới 17 độ C. Thiệt hại do nhiệt độ cao thường xảy ra ở vùng nhiệt đới trong mùa nắng vào giữa trưa khi nhiệt độ vượt quá 35 độ C và kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ. Ở nhiệt độ cao chót lá bị khô trắng, trên lá có những dãy và đốm bị mất màu, nở bụi kém, chiều cao giảm, số hạt trên bông giảm, bông lúa bị trắng, hạt thóai hóa nhiều, hạt bất thụ cao, hạt chắc giảm (Ref 12). Nhiệt độ cao sẽ làm tăng tỷ lệ bông bất thụ, làm tăng hạt lép dẫn đến giảm năng suất lúa. Hô hấp càng cao khi nhiệt độ tăng cũng làm giảm sản lượng lúa. Các nghiên cứu của Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế IRRI cho thấy nhiệt độ ban đêm tăng 1 độ C sẽ làm năng suất lúa giảm khoảng 10% (Ref 13).

Ảnh Hưởng Của Nước Biển Dâng Cao Trên Năng Suất Của Cây Lúa

Khi nước biển dâng sẽ gây ra ngập lụt đặc biệt các vựa lúa ở khu vực ven biển và đồng bằng thấp của các nước Ấn Độ, Bangladesh, Việt Nam và các nước khác. Những vùng trồng lúa lớn ở các đồng bằng nằm thấp như đồng bằng sông Mekong, sông Nile, sông Yangtze, sông Yellow và các hệ thống sông khác mà nơi đó là nhà của ngành trồng lúa đã bị ảnh hưởng bởi sóng thủy triều. Diện tích canh tác nông nghiệp sử dụng nguồn nước ngọt như lúa, màu, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản sẽ bị thu hẹp, năng suất và sản lượng sẽ suy giảm. Cây lúa bản thân nó phát triển tốt trong môi trường ngập nước trong khi các cây màu khác bị chết. Tuy nhiên nếu ngập mà không kiểm soát được thì sẽ trở thành vấn đề vì cây lúa sẽ không thể sống được nếu bị ngập nước trong thời gian dài. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, ở ĐBSCL (đồng bằng sông Mekong) ảnh hưởng của nước biển dâng cao đôi khi được quan sát ở điểm xa cách bờ biển chừng 200 km (Ref 14).

Nước biển dâng cũng mang nước mặn tiến sâu vào đất liền là việc mặn hóa nhiều vùng đất trồng lúa. Hiện nay, mức độ nhiễm mặn trên 0,4% đã lấn sâu vào 30-40 km tại một số nơi ở đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng. Diện tích bị mặn trên 0,4% hiện nay là khoảng 1.303 nghìn ha. Cây lúa chỉ chịu mặn ở mức trung bình và năng suất giảm khi gặp mặn. Mặn thường cản trở sự hấp thu nước của cây. Nếu độ mặn của đất tăng cao đến mức sức hút nước của đất vượt quá sức hút nước của rễ thì chẳng những cây không lấy được nước trong đất mà còn mất nước vào đất làm mất cân bằng nước gây nên hạn sinh lý. Trong đất mặn, các thực vật kém chịu mặn ngừng sinh trưởng do các chức năng sinh lý bị kìm hãm. Nồng độ muối càng cao thì kìm hãm sinh trưởng càng mạnh (Ref 15).

Ảnh Hưởng Của Gia Tăng Hạn Hán Trên Năng Suất Của Cây Lúa

Hạn hán, thiếu nước và lụt lội cũng được dự báo ngày càng xảy ra thường hơn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trên mô hình phân phối của nước mưa. Cây lúa cần rất nhiều nước để tăng trưởng. Ngày xưa nông dân Việt Nam thường cầu mong mưa xuống để cày cấy và trồng lúa như được diễn tả qua ca dao sau.

Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy đầy bát cơm

Dù trồng trong ruộng nước hay ruộng khô thì cây lúa vẫn đòi hỏi một lượng nước lớn hơn nhiều so với các loại cây trồng khác. Chỉ cần thiếu nước một tuần ở vùng lúa rẫy hay hai tuần ở vùng đất lúa nước, năng suất sẽ bị giảm nghiêm trọng. Năng suất lúa giảm từ 17 – 40% do thiếu nước khi gặp hạn hán nặng. Thiếu nước có thể ảnh hưởng 23 triệu ha lúa tưới bằng nước mưa (rainfed lowland) ở Nam và Đông Nam Á. Tại Châu Phi, hạn hán nặng có thể đe dọa 80% diện tích lúa tưới nhờ nước mưa (rainfed lowland) của 23 triệu ha. Trong năm 2002, Maclean et al tường trình rằng chừng 40% diện tích lúa của thế giới là ruộng lúa tưới tiêu bằng nước mưa (rainfed lowland), trong khi đó chừng 3.5 triệu mẫu tây của đất lúa là ruộng ngập sâu (deep-water).

LỰA CHỌN KỸ THUẬT CHO VIỆC THÍCH ỨNG VÀ GIẢM NHẸ ẢNH HƯỞNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Thích ứng gồm việc điều chỉnh để làm giảm tính dễ bị tổn thương (vulnerability) của sản xuất lứa bởi biến đổi khí hậu, trong khi đó giảm nhẹ tập trung vào việc giảm bớt sự thoát khí nhà kính từ sản xuất lúa nước (lowland rice production) và giảm thiểu sự phá rừng từ sản xuất lúa đất khô (upland rice production). Có nhiều kỹ thuật hiện đang có hay có thể được phát triển trong tương lai rất gần cho việc nâng cao cái khả năng của sản xuất lúa để thích ứng và giảm nhẹ cái ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Những kỹ thuật giúp ngành sản xuất lúa thích hợp với biến đổi khí hậu gồm có:

  1. Chọn ngày gieo trồng thích hợp: Việc chọn lựa ngày gieo trồng để các giai đoạn trổ bông và làm đầy hạt của cây lúa rơi vào những tháng với nhiệt đó thấp để làm giảm ảnh hưởng tiêu cực của việc tăng nhiệt độ trong vùng khí hậu nhiệt đới (Peng et al, 2004). Sự thu nhập và phổ biến tài liệu về nhiệt độ hàng tháng trong các vùng khí hậu nhiệt đới do đó rất cần thiết trong việc giúp công việc sản xuất lúa thích ứng với biến đổi khí hậu.
  2. Chọn va tạo giống lúa thích ứng biến đổi khí hậu: Các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, giống chịu mặn tốt (mặn từ 0,4 đến 0,6‰), chịu phèn, ít nhiễm sâu bệnh có nhiều hữu ích trong việc giảm ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khi hậu trên năng suất của cây lúa (Ref 16).

Những kỹ thuật giúp làm giảm nhẹ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trên ngành sản xuất lúa gồm có:

  1. Giảm bớt phát thải của khí gây hiệu ứng nhà kính từ canh tác lúa nước bằng việc dùng kỹ thuật alternate wetting drying (AWD)
  2. Giảm bớt nạn phá rừng từ việc canh tác lúa trên đất cao

Gần đây các kỹ nghệ internet 4D và 5D đã được dùng để cập nhật và quảng bá đến nông dân ở Việt Nam về các kỹ thuật thích ứng với biển thay đổi khí hậu và cac kỹ thuật để làm giảm đi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trên sản xuất lúa. Mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất lúa thích ứng với biến đổi khí hậu trên cơ sở ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm nâng cao giá trị và hiệu quả lợi nhuận cho người nông dân, đang đóng góp vào phần thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang theo hướng giá trị tăng cao và bền vững (Ref 16).

KẾT LUẬN

Lúa gạo là thực phẩm chính của hơn một nửa (½) dân số thế giới. Dân số thế giới còn tiếp tục tăng. Nhiều nghiên cứu đã tường trình rằng việc tăng gia nhiệt độ dẫn đến việc mực nước biển dâng lên và thay đổi trong việc phân phối nước mưa dưới việc biến đổi khí hậu thế giới có thể làm thay đổi trong nguồn đất và nước của công việc sản xuất lúa và năng suất của cây lúa. Sự tăng gia bền vững (sustainable increase) của ngành sản xuất lúa cho ăn toàn thực phẩm của dân số thế giới cần nỗ lực giúp cây lúa thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu trên năng suất của cây lúa. Lựa chọn kỹ thuật (technical options) cho việc thích ứng và làm giảm nhẹ đang sẵn có và có thể được cải thiện trong tương lai. Chính sách (policy) ủng hộ cho nghiên cứu và phát triển các kỹ thuật để làm thích ứng hay làm giảm ảnh hưởng của biến đổi khi hậu trên ngành trồng lúa sẽ đóng góp quan trọng cho việc giữ gìn an ninh lương thực lúa gạo cho người ăn cơm gạo của thế giới.

REFERENCES

  • Ref 1 = Furuya J. and Koyama O. 2005 Impacts of climate change on world agricultural product markets – estimation of yield function, JARQ 39 (2): 121-134)
  • Ref 2 = N.V. Nguyen 2005 Global climate changes and rice food security. PP 24-30, International Rice Commission Newsletter Vol 54.
  • Ref 3 = USDA, http://ricestat.irri.org:8080/wrsv3/entrypoint.htm
  • Ref 4 = https://www.worldometers.info/world-population/world-population-by-year/
  • Ref 5 = Yoshida, S 1978 Tropical climate and its influence on rice. IRRI Research Paper Series 20, Los Banos, Philippines
  • Ref 6 = = Downing, T. 1992 Climate changes and vulnerable places: global food security and country studies in Zimbabwe, Kenya, Senegal and Chile. Research Report No 1 Oxford Environmental Change Unit, University of Oxford
  • Ref 7 = Rosenzweig, C. and Iglesis, A. 1994 Implication of climate changes for international agriculture: Crop modeling studies. Washington DC, US Environmental Protection Agency, Climate Change Division
  • Ref 8 = Darwin, R., Tsigas, M., Lewandrowski, J and Raneses, A. 2005 World agriculture and climate change; economic adaptation. USDA Agricultural Economic Report No. 703; 86pp
  • Ref 9 = Yoshida, S. 1981 Fundamental of rice crop science. IRRI, Los Banos, Philippines, 269 pp
  • Ref 10 = Peng, S., Huang, J., Sheehy, J.E., Laza, R.C., Visperas, R.M., Zhong, X., Centeno, G.S., Khush, G.S., and Cassman, K.G. 2004 Rice yield decline with higher night temperature from global warming. In E.D. Redona, A.P. Castro, and G.P. Llanto Eds. Rice Integrated Crop Management: Towards a Rice Check system in the Philippines. Pp 46-56. Philippine Rice Research Institute.
  • Ref 11 = Ferrero, A and Nguyen, V.N. 2004 The sustainable development of rice-based production systems in Europe. IRC Newsletter 54: 115-124
  • Ref 12 = Nguyễn Ngọc Đệ https://www.2lua.vn/article/dac-diem-sinh-thai-cua-cay-lua-phan-1-5a616978e4951955478b456b.html?hl=en
  • Ref 13 = http://ricepedia.org/rice-as-a-crop/rice-productivity
  • Ref 14 = = Nguyen, N.T. 1987 Thuy trieu va su xam nuoc man vao dong bang song Cuu Long. Tap San Thuy Loi 254: 14-18. Bo Thuy loi, Ha Noi, Viet Nam
  • Ref 15 = http://camnangcaytrong.com/dat-man-va-anh-huong-cua-dat-man-den-su-phat-trien-cua-cay-trong-nd14.html
  • Ref 16 = MacKill, D.J., Amante, M.M., Vergara, B.S. and Sakarung, S. 1993 Improved semi-dwaft rice lines with tolerance to submergence. Crop Sci. 33: 749-753
  • Ref 17 = https://nongnghiep.vn/ho-tro-cong-nghe-40-cho-nong-dan-trong-lua-post250398.html
https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 229174 visitors (434464 hits) on this page!