Nhà văn Cao Hành Kiện đã mượn 3 câu ngạn ngữ có cách đây hàng ngàn năm để kết thúc cuốn tiểu thuyết Linh Sơn của mình. Nguyên văn như sau :
Hữu dã hồi,
Vô dã hồi,
Mạc tại giang biên lãnh phong xuy.
Trần Đĩnh dịch là :
Có cũng về,
Không cũng về,
Đừng ở ven sông gió lạnh thổi.
Bài thơ “Về “của tôi lấy nguồn cảm hứng từ 3 câu trên. Bài thơ gồm có 2 phần: Phần 1 nói về lẽ Sinh Tử Được Mất ở đời. Phần 2 nói về tâm trạng của người ly hương.
Về
Phần 1
Hữu dã hồi,
Vô dã hồi,
Có cũng về ,
Không cũng về,
Lục thập niên dư - nhân gian tại,
Tân toan chi vị - tằng kinh quá.
Hơn sáu mươi năm ở trần gian,
Mùi vị chua cay từng nếm trải.
Chửa chán ru mà còn nán lại,
Cõi người tạm bợ, có gì vui?
Mộng trăm năm, mơ một đời ,
Tỉnh mê, mê tỉnh ngược xuôi bước người.
Một chiều vàng nắng trên đồi,
Đôi bàn tay trắng khóc đời trắng tay.
***
Phần 2
Hữu dã hồi,
Vô dã hồi,
Có cũng về,
Không cũng về,
Mênh mông mây trắng,
Mịt mờ nẻo xa,
Đâu là nhà cũ của ta?
Muốn về mà chẳng biết là về đâu.
Xưa còn có mẹ dầu lạc lối,
Vẫn nhớ đường về mặc dặm xa.
Nay đã gần kề trong gang tấc,
Vẫn hỏi: Về ư? nhưng về đâu?
Bể dâu có phải do trời?
Hay là nông nỗi lòng người đa đoan!!!
Hữu dã hồi,
Vô dã hồi,
Về đi, về đi,
Về đâu? về đâu ?
Arizona, mùa hỏa ngục
12 tháng 7 năm 2015
Trịnh Đình Nam
|