2/2012
SINH VẬT BIẾN-ĐỔI-GEN
Trần-Đăng Hồng, PhD
Phần VI: CHỐNG ĐỐI SINH-VẬT BIẾN-ĐỔI-GEN
Đạt được kỹ thuật biến-đổi-gen trong sinh học là một tiến trình khám phá lâu dài lần lượt của rất nhiều nhà khoa học. Bắt đầu tử khám phá biết được nhiễm-thể (1882, bởi Walter Fleming, Đức), vai trò của nhiễm-thể trong di truyền (1902, Mendel), khám phá đơn vị di truyển gen (1909, William Bateson, Anh), mô tả chi tiết hình ảnh DNA (1951, Rosalind Franklin, Anh), cấu trúc DNA (1953, James Watson & Francis Crick, Anh), khám phá nucleotides (1961, Francis Crick (Anh) & Sydney Brenner (Nam Phi), xử dụng enzyme phân đoạn nhiễm-thể của vi khuẩn thành những đoạn chứa gen để chuyển đổi (1973, Herb Boyer, Hoa Kỳ), rồi kỹ thuật Polymerase Chain Reaction (PCR) giúp nhân giống phân tử DNA (1986, Kary Mullis, Hoa Kỳ). Nhờ các khám phá trên, kích thích tố (hormone) Insulin được sản xuất nhân tạo đầu tiên do kỹ thuật-biến-đổi-gen (1978), tiếp theo là vẻ được bản đồ gen của bịnh Huntington (1983). Thực phẩm chuyển-gen đầu tiên là giống cà chua chuyển-gen FlavrSavr do công ty Calgene ở California thực hiện năm 1992, được cầu chứng và sản phẩm bán trên thị trường Hoa Kỳ năm 1994, rồi cà chua làm puree (tomato paste) do công ty Zeneca ở Anh thực hiện và bán trên thị trường năm 1996.
Vì là một kỹ thuật mới, công luận chưa am tường, lại đầy ngờ vực, nên GMO bị chống đối kịch liệt trên phạm vi toàn cầu. Nhưng ai lãnh đạo chống đối sinh-vật và thực-phẩm-biến-đổi-gen với mục tiêu gì.
1. Các cơ quan phi-chính-phủ (NGO)
Hòa-bình-xanh (Greenpeace) có mục tiêu bảo vệ thiên nhiên, chống đối mọi hoạt động của con người có hại tới thiên nhiên, trong đó cực lực phản đối chương trình nghiên cứu, sản xuất, và áp dụng sinh-vật-biến-đổi-gen. Ngay cả chương trình viện trợ thực phẩm cứu đói của Hoa Kỳ cho Zambia, Hòa Bình Xanh cũng can thiệp khuyến cáo Zambia từ chối nhận hạt bắp-biến-đổi gen. Hòa-Bình-Xanh cũng phản đối chương trình sản xuất lúa hạt gạo vàng giàu vitamin A (Golden rice) bồi dưỡng thực phẩm cho trẻ em thiếu dinh dưỡng. Lập luận chống đối sinh-vật-biến đổi-gen của Hòa-Bình-Xanh là GMO trái với thiên nhiên, phương hại tới sức khỏe, ảnh hưởng xấu tới môi trường sống, và là phương cách làm giàu của Hoa kỳ muốn thống trị nông nghiệp toàn cầu.
Bạn-của-Địa-Cầu (Friends of the Earth International). Tương tự với Hòa Bình Xanh, Bạn-của-Địa-Cầu cũng chống đối Sinh-vật-biến-đổi gen với lập luận tương tự.
Quỷ sinh vật hoang dã thế giới (World Wildlife Fund), quan tâm nhiều về phá hoại môi trường, đa dạng sinh học và sức khỏe con người có thể do GMO gây ra.
2. Các hiệp hội sản xuất thực phẩm hữu cơ (organic foods, natural foods, nông phẩm không xử dụng hóa chất), mà đại diện chống đối hăng say nhất là bà Megan Westgate ở Hoa Kỳ, ông Joseph Wilhelm ở Đức và TS Vandana Shiva ở Ấn Độ.
Bà Megan Westgate tốt nghiệp cử nhân văn chương (Bachelor of Art) năm 2002. Sau đó bà theo học ngành thuốc cổ truyền Trung Hoa (thuốc bắc) và làm việc trong công ty chuyên bán thực phẩm hữu cơ và thực phẩm thiên nhiên lành mạnh (healthy food). Năm 2006, bà gia nhập tổ chức The Non-GMO Project (Dự án thực-phẩm-không-chuyển-gen), và bà hoạt động rất tích cực và trở thành Giám Đốc Điều Hành. Bà tổ chức chiến dịch “Triệu người phản đối Monsanto” (Millions Against Monsanto Campaign). Hiện nay bà cùng chồng mở một trang trại chuyên trồng thực-phẩm-hửu-cơ.
Chiến dịch “Quyền được biết” (Right2know) phát động ở Âu Châu và Hoa Kỳ thì do ông Joseph Wilhelm. Mùa hè 2009 ông tổ chức cuộc tuần hành từ Berlin đến Brussels kêu gọi các chính phủ Âu Châu ngăn chận thực-phẩm-chuyển-gen. Tại Hoa Kỳ chiến dịch đòi hỏi nhản hiệu thực phẩm phải ghi có sản-phẩm-chuyển gen hay không. Ông Joseph Wilhelm cùng bà Jennifer Vermeulen năm 1974 sáng lập một công ty thực phẩm thiên nhiên mang tên Rapunzel Naturkost tại Legau/ Allgäu (Đức quốc). Đây là một công ty hàng đầu chuyên sản xuất, biến chế và phân phối thực phẩm hữu cơ, công ty nay có khoảng 300 nhân viên. Công ty và nhóm chống đối của ông có báo chí riêng, quảng cáo và phát động chiến dịch tiêu thụ nông phẩm hữu cơ và chống đối mọi sản phẩm biến-đổi-gen ngay cả sản phẩm con người không ăn mà chỉ sản xuất cho kỷ nghệ như giống khoai tây chuyển-gen Amflora.
Bà Tiến sỉ Vandana Shiva (Ấn độ) thì cổ súy chương trình bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ giống cổ điển, sản xuất nông phẩm hữu cơ, và quyền của nông dân, và bà chống đối kịch liệt sinh-vật-biến đổi gen, đặc biệt chống đối Monsanto. Bà tốt nghiệp Tiến Sỉ Vật Lý về Hạch Nhân ở Đại Học Ontario (Canada) năm 1978. Khi trở về nước, Bà lại nổi tiếng là nhà triết học (philosopher), người vận động tích cực về môi trường, và bình đẳng nữ phái. Bà là một trong những người sáng lập tổ chức Navdanya (có nghĩa là 9 thực phẩm chính của Ấn Độ), và từ 1984 tổ chức này thiết lập Quỷ Nghiên Cứu Khoa Học, Kỹ Thuật và Môi Sinh (Research Foundation for science, Technology and Ecology, RFSTE) chủ yếu chú trọng sản xuất nông nghiệp với giống cổ truyền. Tổ chức tạo được một hệ thống tồn giữ và trao đổi giống cổ truyền cùng việc sản xuất nông phẩm hữu cơ tại 17 tiểu bang ở Ấn Độ. Nơi nào trên thế giới có tổ chức chống đối thực-phẩm-biến-đổi-gen như ở Hoa Kỳ, Canada, Âu châu là nơi đó có sự hiện diện và phát ngôn của Bà. Chẳng hạn, gần đây nhất Bà cũng hiện diện trong buổi tọa đàm chủ đề “Thực phẩm biến đổi gen/GMO tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức” do Liên Hiệp Các Tổ Chức Hữu Nghị Việt Nam - Trung Tâm Dữ Liệu các Tổ Chức Phi-Chính-Phủ (VFO-NGO Resource Center) tổ chức tại Hà Nội ngày 11/1/2013.
3. Chống đối bạo động. Các chiến dịch chống đối GMO nói trên đều là biểu tình bất bạo động, ngược lại cũng có những chống đối bạo động, cố tình phá hủy các công trình nghiên cứu nhất là các thử nghiệm ngoài đồng.
Năm 1983, công ty Advanced Genetic Sciences (Hoa Kỳ) thành công chuyển gen chống đông nước đá vào vi khuẩn Pseudomonas syringa, được đặt tên là “ice-minus strain P. syringa” (vi khuẩn chống đông nước đá). Tại vùng lạnh, sương tuyết (frost) là nguyên nhân hư hại mùa màng chính trong mùa đông và đầu xuân. Vi khuẩn P. syringa vô hại với con người, gia súc, cây cối, và hoa màu. Vi khuẩn hiện diện tự nhiên, đặc biệt trên lá cây, chồi non. Vì màng tế bào vi khuẩn có chứa protein Ina (Ice nucleation-active) là tụ điểm để giọt nước hóa thành nước đá khi lạnh 0ºC, nên vi khuẩn tự nhiên mang tên “Ice-plus strain P. syringa”. Các nhà sinh học thành công hủy diệt gen sản xuất Ina protein, nên “ice-minus strain P. syringa” không còn lớp protein này ở màng tế bào, và nhờ vậy, giọt nước không hóa nước đá làm hư hại mùa màng. Sản phẩm thương mại gồm thuần vi khuẩn “ice-minus strain P. syringa” mang tên Frostban.
Năm 1987, sau 4 năm thử nghiệm và được chính phủ cho phép, Frosban được thử nghiệm ngoài đồng trên dâu tây ở California, cho thấy kết quả khả quan. Nơi nào được phun Frosban thì cây không bị chết bởi sương giá, ngược lại lô kiểm chứng bị sương giá phá hủy. Tiếp theo là thử nghiệm trên khoai tây. Tuy nhiên khi địa điểm thử nghiệm bị tiết lộ, nhóm môi sinh quá khích tấn công và phá hủy các thử nghiệm ngoài đồng.
Tương tự như vậy, một nhóm môi sinh mệnh danh “Take the flour Back” chống đối và phá hủy thử nghiệm ngoài đồng trong tháng 5/2012 tại Trại thử Nghiệm Rothamsted ở Anh. Cơ quan nghiên cứu Rothamsted thành công tạo được giống lúa mì GMO có khả năng xua đuổi (repellant) rầy aphis không đến hút phá nhựa cây.
Cho đến nay (2012), tại Anh và Âu châu có tổng công khoảng 80 cuộc chống đối bằng cách phá hủy thử nghiệm ngoài đồng.
4. Các nhà khoa học chuyên ngành. Có rất nhiều nhà khoa học không chuyên ngành lên tiếng báo động về tiềm năng tổn hại môi trường hay sức khỏe của người tiêu thụ. Vì các vị này không am tường nhiều về những vấn đề sinh học trong chuyên ngành sinh-vật-biên-đổi-gen nên tác giả không đề cập ở đây, mà sẽ đề cập ở phần 7.
Tuy nhiên, có những nhà khoa học chuyên ngành uy tín cũng lên tiếng báo động, và trở thành “scandal”.
TS Árpád János Pusztai, gốc Hungary tị nạn ở Anh, tốt nghiệp PhD về Sinh Hóa tại London, và làm nghiên cứu trong 36 năm tại Rowett Research Institute ở Aberdeen, Scotland. Ông chuyên về pectin (chất đường nhờn dẻo làm jam, jelly), và chính ông khám phá ra chất glycoproteins trong cây cối, và được coi là chuyên viên nổi tiếng nhất thế giới trong lãnh vực pectin.
Năm 1995, Ông bắt đầu nghiên cứu về khoai tây biền-đổi-gen có chứa gen Galanthus nivalis agglutinin (GNA) lấy từ cây hoa snowdrop (Galanthus nivalis). Gen GNA làm cây khoai tây sản xuất chất lectin protein. Nhóm nghiên cứu của ông cho chuột ăn độc nhất một thức ăn là khoai sống và khoai nấu chín của giống khoai-biến-đổi-gen này, và dùng giống khoai đỏ Desiree làm kiểm chứng. Năm 1998, Ông tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn trong chương trình “World in Action” của đài truyền hình Granada rằng nhóm nghiên cứu của ông thấy là khoai-tây-biến-đổi-gen có hại cho hệ thống ruột và hệ thống miễn nhiễm của chuột. Ông tuyên bố thêm “Nếu tôi có quyền lựa chọn, chắc chắn là tôi không ăn loại khoai này” và “Thật là bất công để các đồng loại của tôi làm vật thí nghiệm như loài chuột”. Vì bị báo chí khuynh tả khai thác dữ dội để chống đối thực phẩm biến-đổi-gen, ông bị cơ quan sa thải và cấm ông và vợ ông, cũng một khoa học gia, không được phát ngôn. Học viện Rowett tịch thu tất cả tài liệu dữ kiện nghiên cứu của Ông chưa được phân tích, và giao cho các nhà khoa học khác trong học viện phân tích và phát hành một bài công bố chỉ trích nghiên cứu của ông đầy sai trái. Đồng thời, để công bình, Học viện cũng gởi các tài liệu nghiên cứu này tới một hội đồng giám định độc lập gồm 6 vị (reviewers) để phẩm định, và hội đồng giám định cũng kết luận là nghiên cứu của nhóm ông không được khoa học và chính xác. Để chống lại, TS Pusztai gởi các tường trình này đến các nhà khoa học khác, và tháng 2/1999 có 21 nhà khoa học ở Âu Châu và Mỹ Châu ủng hộ kết quả của ông.
Nghiên cứu của nhóm Pusztai được phát hành trong tạp chí Y Khoa Lancet năm 1999, mục đích để rộng đường dư luận, chứ không phải công bố kết quả nghiên cứu. Theo kết quả nghiên cứu được đăng tải đó thì có sự khác biệt rõ rệt ở độ dày của lớp tế bào bao tử, nhưng không có khác biệt về mặt thống kê về sự tăng trưởng hay hệ miễn nhiễm như Pusztai tuyên bố. Ngoài ra, ông bị chỉ trích là cố tình hoạch định thí nghiệm sai trái, cho chuột nhóm dẫn chứng ăn giống khoai có nhiều bổ dưỡng hơn, và nếu chuột chỉ ăn độc nhất khoai tây nghèo bổ dưỡng thì chắc chắn là bị bịnh thiếu dinh dưỡng, chứ không có liên quan gì tới gen GNA.
Năm 2007, 2009 và 2011, Gilles-Éric Séralini thuộc Đại học Caen Pháp phân tích lại kết quả nghiên cứu của Monsanto trên chuột với 3 loại bắp biến-đổi-gen là MON 863 (kháng côn trùng), MON 810 (kháng côn trùng) và NK 603 (kháng thuốc diệt cỏ Roundup). Ông kết luận là cả 3 loại bắp này làm tổn thương thận, gan và tim ở chuột. Cơ quan An Toàn Thực Phẩm Âu Châu (European Food Safety Authority, EFSA) phân tích lại thì thấy không có gì khác biệt giữa chuột dẫn chứng và chuột thí nghiệm, và còn chỉ trích phương pháp thống kê của ông là sai trái. Kết luận của EFSA cũng được Cơ quan An toàn Thực Phẩm Australia New Zealand cùng quan điểm.
Mới đây nhất, tập san “Food and Chemical Toxicology, số 50 (11), tháng 11 năm 2012, ở trang 4221-4231, phát hành một nghiên cứu nhan đề “Long term toxicity of a Roundup herbicide and a Roundup-tolerant genetically modified maize” của Gilles-Eric Séralini và cọng sự. Nhóm ông nghiên cứu trong 2 năm với chuột cho ăn thực phẩm cổ truyền và nhóm chuột cho ăn bắp-chuyển-gen NK603 kháng thuốc diệt cỏ Roundup. Kết quả cho thấy chuột cái ăn bắp-chuyển-gen chết 2-3 lần nhiều hơn và nhanh hơn nhóm chuột ăn bắp thông thường. Kết quả cũng tương tự ở nhóm chuột đực. Chuột cái ăn bắp chuyển gen bị ung thư bộ phận sanh đẻ, còn chuột đực bị ung thư thận.
Bài nghiên cứu này của ông bị chỉ trích nhiều, vì phương pháp thống kê sai trái, vì chọn giống chuột Sprague-Dawley vốn là giống chuột dễ nhiễm bệnh ung thư (có khi tới 80% bị bịnh), vì số lượng lô chuột thí nghiệm chỉ có 10 con, đúng ra phải tối thiểu 65 con chuột mới đúng nghiên cứu khoa học, và nhiều chỉ trích khác liên quan đến thiết kế của thí nghiệm. Sáu học vị khoa học quốc gia Pháp lên án nghiên cứu này và lên án báo đã đăng tải bài nghiên cứu. Tập san Food and Chemical Toxicology cũng đăng 17 lá thư của các nhà nghiên cứu khoa học gởi đến tòa soạn chỉ trích nặng nề bài nghiên cứu của Seralini. Ngoài ra, các cơ quan An Toàn Thực Phẩm cũng kiểm điểm lại bài báo và bác bỏ kết quả của nhóm Seralini.
Tháng 5/2011, Aris và Leblanc ở Canada tường trình trên tập san Reprod. Toxicol. (31 (4): 528–523) là thấy dấu vết thuốc diệt côn trùng, sản phẩm của bắp-chuyển-gen Bt, trong cơ thể của đàn bà không có thai, và sản phụ cũng như trong thai nhi. Cũng trong tháng này, báo Daily Mail ở Anh tường trình nghiên cứu của Poulter là độc tố do GMO thấy trong 93% thai nhi. Tuy nhiên, Cơ quan An toàn Thực phẩm Australia New Zealand (FSANZ) phản biện lại rằng phương pháp đo Cry1Ab protein của các nhà khoa học này không cho kết quả chính xác, và cũng không có gì chứng minh rằng độc tố là do GMO, bởi vì nếu có độc tố trong máu thì có thể do thực phẩm thiên nhiên hay thực phẩm hữu cơ chứ không hẳn là do GMO, nếu dựa theo phương thức thí nghiệm của Poulter.
5. Liên-chính-phủ và chính- phủ
Liên Hiệp Âu châu (viết tắt Liên Âu) khắc khe nhất đối với GMO. Liên Âu xem GMO là một loại lương thực mới, nên có luật lệ kiểm soát rất chặt chẽ, xét từng loại, và phải được giám định khoa học lâu dài bởi Cơ quan An toàn Thực phẩm Âu châu (European Food Safety Authority, EFSA). EFSA sẽ tường trình lên European Commission để ủy ban này đề nghị biện pháp ngăn cấm hay chấp nhận. Ngoài ra, mỗi quốc gia trong Liên Âu có quyền ngăn cấm nhập cảng, tiêu thụ hay thương mại sản phẩm GMO. Chẳng hạn tháng 2/2008 Pháp ra lệnh ngăn cấm canh tác giống bắp MON810, rồi tháng 4/2009 Đức ngăn cấm canh tác và thương mại giống bắp MON810, trong khi các nước khác vẫn canh tác giống này.
Tháng 3/2010, Liên Âu cho phép canh tác giống khoai tây Amflora cho mục tiêu kỹ nghệ, được canh tác ở Đức, Thụy Điển, và Tiệp Khắc. Các luật lệ của Liên Âu quy định vùng đệm giữa vùng canh tác GMO và canh tác hoa màu thường. Liên Âu cũng quy định việc nhập cảng hay cấm nhập cảng từng loại thực phẩm NGO cho người hay gia súc. Nhiều tàu hàng chở nông phẩm GMO bị cấm, hay nông phẩm có trộn hay lẩn lộn sản phẩm NGO bị cấm ở Âu châu, phải trở về nguyên quán khi cập bến Âu Châu. Năm 2006, một tàu chở gạo từ Hoa Kỳ cập bến Rotterdam (Hòa Lan) phải quay trở về vì gạo có chứa lộn ít gạo GMO LLRice601 là sản phẩm bị cấm ở Âu Châu. Ngoài lý do bảo vệ sức khỏe được công khai từ chối nông phẩm GMO của Hoa Kỳ, còn một lý do sâu xa không đề cập là bảo vệ nông dân và nông sản Âu châu sản xuất không bị phá giá bởi nông phẩm NGO rẽ của Hoa Kỳ. Hơn nữa Âu châu sản xuất dư thừa thực phẩm nên thông qua biện pháp ngăn chận nhập cảng GMO của Hoa Kỳ với lý do bảo vệ sức khỏe để tránh vi phạm tự do mậu dịch WTO. Mặc dầu bề ngoài chống đối GMO, nhưng các chính phủ Âu Châu đều dành ngân sách ưu tiên để nghiên cứu GMO ở cấp học viện nghiên cứu và đại học.
Hoa Kỳ và Canada có chính sách rộng mở cho GMO. Hoa Kỳ là quốc gia canh tác nhiều hoa màu GMO nhất thế giới. Trước khi được phóng thích để canh tác thương mại, cây hoa màu GMO phải lần lượt kiểm nghiệm ở 3 cơ quan: Thanh tra động thực vật (Animal and Plant Health Inspection Service, APHIS) thuộc bộ Nông Nghiệp (USDA) kiểm nghiệm xem cây GMO có thể thành cỏ dại độc hại; Cơ quan Thực phẩm và Thuốc men (Food and Drug Administration, FDA) kiểm nghiệm xem có ảnh hưởng hay làm biến đổi đến sản xuất thực phẩm; và Cơ quan Bảo vệ Môi trường (Environmental Protection Agency, EPA) chú trọng liên quan đến thuộc diệt côn trùng và cỏ dại. Và dầu Liên Bang chấp nhận sản phẩm GMO nào đó, nhưng tiểu bang có quyền ngăn cấm. Chẳng hạng, quận Mendocino County thuộc California năm 2004 ra luật ngăn cấm “gầy giống, canh tác, sản xuất, chăn nuôi mọi sản phẩm động thực vật biến-đổi-gen”.
Ở Canada, Cơ quan Y tế (Health Canada), và cơ quan Thanh Tra Thực Phẩm (Canadian Food Inspection Agency) có nhiệm vụ kiểm nghiệm an toàn và dinh dưỡng của hoa màu GMO.
Các quốc gia ở Trung Mỹ và Nam Mỹ như Mexico, Honduras, Costa Rico, Colombia, Bolivia, Paraguay, Chile, Argentina, Uruguay and Brazil đều canh tác thực phẩm GMO. Riêng Argentina và Brazil có nhiều cơ quan kiểm soát cây hoa màu GMO trước khi được phóng thích để canh tác.
Trung quốc canh tác nhiều thực phẩm GMO nhất ở Á Châu. Trước khi đệ trình đến cơ quan Thử Nghiệm Sinh Học Biến-đổi-di truyền (OAGEBA) để phê chuẩn, các giống GMO được lần lượt kiểm nghiệm ở 3 giai đoạn trong thử nghiệm ngoài đồng.
Ấn Độ năm 2009 cho phép canh tác giống cà tím GMO Bt, nhưng bị nhiều phong trào chống đối nên GMO ngừng canh tác sản xuất.
Chỉ có Phi Luật Tân là thoải mái canh tác GMO.
Nói tóm lại, phong trào chống đối nông phẩm GMO do nhiều nhóm lãnh đạo đều có mục đích chính trị hay cạnh tranh thị trường đứng sau lung. Các phong trào chống đối thường dùng chiến thuật hù dọa vào sức khỏe và tổn hại môi trường sống để đạt mục tiêu, dựa vào đa số dân chúng chưa am tường về kỹ thuật mới mẻ này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
1.Wikipedia. Genetically modified food controversies. http://en.wikipedia.org/wiki/Genetically_modified_food_controversies
2. Aris A, Leblanc S (May 2011). "Maternal and fetal exposure to pesticides associated to genetically modified foods in Eastern Townships of Quebec, Canada". Reprod. Toxicol. 31 (4): 528–33. doi:10.1016/j.reprotox.2011.02.004. PMID 21338670.
3. Poulter, Sean (20 May 2011). "GM food toxins found in the blood of 93% of unborn babies". Daily Mail. http://www.dailymail.co.uk/health/article-1388888/GM-food-toxins-blood-93-unborn-babies.html. Retrieved 7 February 2012
Reading, 2/2013
Trần-Đăng Hồng, PhD
Mời đọc:
Phần I. Tuyển chọn bởi thiên nhiên
Phần II. Đại cương di-truyền học
Phần III. Tuyển chọn bởi con người
Phần IV. Lai-tạo DNA hay Kỹ Thuật Chuyển Gen
Phần V. Cây hoa màu biến-đổi-gen
Phần VI. Chống đối sinh-vật biến-đổi-gen
Phần VII. Tranh luận sinh-vật biến-đổi-gen |