2/2012
SINH VẬT BIẾN-ĐỔI-GEN
Trần-Đăng Hồng, PhD
Phần VII: TRANH LUẬN SINH-VẬT BIẾN-ĐỔI-GEN
Các tranh luận chống đối sinh-vật-biến-đổi-gen (GMO) chung quanh nhiều vấn đề, chánh yếu là: GMO có nguy cơ làm hại đến sức khỏe, ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng xấu đến giới nông dân, chỉ có lợi cho công ty sản xuất giống. Tác giả sẽ lần lượt đề cập đến từng vấn đề để đọc giả am tường.
1. Kỹ thuật GMO là trái với thiên nhiên?
Chuyển gen lấy từ virus, vi khuẩn, giống cây cùng loài hay khác loài, hay từ động vật để chuyển vào hệ-gen của cây hoa màu muốn cải thiện là trái với thiên nhiên, phá hủy trật tự thiên nhiên?
Luận cứ này hoàn toàn sai lầm. Tất cả mọi sinh vật gồm động vật, thực vật, vi khuẩn ngày nay bắt nguồn từ một đơn-bào thủy tổ, nên cùng chia sẻ chung một số gen trong hệ-gen của chúng. Chẳng hạng, giữa người và khỉ đột chimpanzee bà con gần có cùng chung 98,5% hệ-gen, với chuột khoảng 88% và với loài gà tới 75% hệ-gen. Con người và cây chuối hay tảo Chlamydomonas có cùng chung 35% hệ-gen. Đó là kết quả của 3,5 tỷ năm tiến hóa, qua các chuyển gen tự nhiên giữa các sinh vật và do đột biến gen, do đa-bội, và được thiên nhiên tuyển lựa sàng sẩy để thích nghi vào môi trường địa phương.
Trong thiên nhiên, việc hoán chuyển gen giữa các sinh-vật cùng loài hay khác loài, giữa vi khuẩn, động vật và thực vật cũng xảy ra trong tiến trình sinh vật tiến hóa trong hơn 3 tỉ năm qua. Chẳng hạng, gen-kháng-thuốc trụ sinh được hoán chuyển rất nhanh giữa 2 cá thể vi khuẩn để chúng trở thành vi khuẩn kháng trụ sinh. Gen cũng được chuyển từ giống cây này qua loài cây khác qua trung gian của vi khuẩn, virus để tạo ra nhiều loài, giống mới, chưa kể qua thụ phấn thiên nhiên. Siêu-vi-khuẩn (virus) có khả năng chuyển gen vào hệ-gen của ký chủ. Gen TE (transposable element), một loại gen nhảy (jumping gene, Hopscotch gene) là gen của giới vi khuẩn và động vật (như ruồi drosophile) xâm nhập vào hệ-gen của cây và làm cây biến thành một loài cây khác, như biến cỏ teosinte thành cây bắp cách đây 25 ngàn năm (đọc phần 3).
Như vậy, kỹ thuật chuyển gen ở sinh-vật-biến-đổi-gen không khác gì với thiên nhiên. Chỉ có khác biệt 2 điều. Thứ nhất là kỹ thuật tạo giống mới GMO trong thời gian rất ngắn, thay vì ngàn năm hay vạn năm như trong thiên nhiên. Thứ hai là con người chọn gen cải thiện theo ý muốn chứ không phải ngẫu nhiên, may rủi như trong thiên nhiên.
Chúng ta hãy nhìn ngược lại, thực phẩm con người ăn ngày nay không còn giống tí nào với nguồn cội tổ tiên tự nhiên của chúng. Chẳng hạn, cây bắp là do con người tuyển chọn từ cây cỏ teosinte (đọc lại phần 3), cây lúa ngày nay (Oryza sativa) cũng được con người tuyển chọn từ giống cỏ hoang dại Oryza rufipogon, còn lúa mì là cây lai từ 3 loại cỏ Triticum monococcum, Aegilops speltoides và Aegilops tauschii.
2. Cái gì của thiên nhiên đều “an toàn” cho sức khỏe, cho môi sinh, và cái gì “nhân tạo” trái với thiên nhiên đều có hại?
Lập luận này cũng hoàn toàn sai trái. Trong lúc tiến hóa, sinh vật phải “thích ứng” (adaptation) với môi trường để tồn tại. Cây cối cũng có các thù địch riêng. Để sinh tồn, chúng phải tạo sức đề kháng, tạo các độc tố để côn trùng không phá hại. Vì vậy, không phải thực phẩm thiên nhiên nào cũng an toàn sức khỏe cho người. Củ khoai mì chứa nhiều chất độc cyanhydric acid làm ngộ độc chết người, khoai mì GMO, ngược lại, làm triệt tiêu gen sản xuất cyanhydric acid để không còn độc. Khoai tây có chất độc solanine và chaconine. Ăn củ khoai tây hoang dại, hay khoai tây chưa luộc chín có thể bị ngộ độc, làm nhức đầu, tiêu chảy, đau bụng, đầu óc mụ mẫm, nếu nặng có thể bất tỉnh và chết. Con người qua tuyển chọn tạo giống khoai ít chất solanine. Còn giống khoai tây chuyển gen thì không có chất solanine, nên không còn ngộ độc nữa. Cây lúa mì có chứa độc tố giết rầy, cây bắp có chứa độc tố maysin diệt côn trùng. Lá cây và trái cà chua chưa chín cũng giàu chất solanine, và tomatine lảm chết người nếu uống nước lá cà chua hay trái cà chua non. Nấm là sản phẩm thiên nhiên sao có thứ độc chết người? Lá và hột trái táo (apple), cherry, plum có chất độc amygdalin (cyanogenic glycoside) có thể làm trẻ nít ngộ độc chết. Hạt đậu Lathyrus sativus (Indian pea) có chứa một hổn hợp protein tên ODAP, là một độc tố của hệ thần kinh, là nguồn gốc của vài bệnh liệt cho người nếu ăn nhiều đậu này. Đậu kidney bean (Phaseolus vulgaris) nhất là giống hạt màu đỏ có chứa độc tố phytohaemagglutinin, nếu nấu không thật chín sẽ làm người bị ngộ độc, với triệu chứng nôn mửa và tiêu chảy. Còn hạt đậu khấu (nutmeg, Myristica fragrans) dùng lảm gia vị (một thành phần trong ngũ vị hương) có độc tố myristicin, là một thuốc diệt côn trùng thiên nhiên. Như vậy không phải cái gì của thiên nhiên là vô hại. Chính nhờ kỹ thuật GMO biến độc hại của thiên nhiên thành vô hại.
3. Thực phẩm từ giống hoa màu được chuyển gen Bt thì độc hại cho người và gia súc?
Vi khuẩn Bacillus thuringiensis sống trong đất, tạo ra độc tố gây bịnh giết côn trùng, nên được xử dụng làm thuốc diệt côn trùng từ năm 1961, dưới nhiều thương hiệu như Dipel, Thuricide, Bactospeine, Leptox, Novabac, Victory (Bt dòng kurstaki), Certan (Bt dòng aizawa), Teknar (Bt dòng israelensis). Bt vô hại với người và gia súc. Bt gồm nhiều dòng sinh lý, mỗi dòng chỉ sản xuất độc tố để giết một số loài côn trùng riêng biệt, chứ không giết hết mọi loài côn trùng. Chẳng hạn dòng aizawai (Bt a) chỉ giết ấu trùng của ong vò vẻ; dòng israelensis (Bt i) nhằm giết muỗi, ruồi và mối; còn dòng kurstaki (Bt k) thì giết ấu trùng (sâu) của bướm trên rau cải; còn dòng san diego thì giết ấu trùng của các loài bọ (beetle) và sâu đục trái bông vải. Đặc biệt là Bt không giết côn trùng trưởng thành, mà chỉ giết khi còn nhỏ, vừa nở. Vì vậy, khi chuyển gen vào cây hoa màu GMO, các nhà khoa học phải chọn loại Bt nào chỉ nhằm giết côn trùng độc hại của cây hoa màu đó mà thôi. Chẳng hạn để diệt sâu đục trái của bông vải, thì chỉ có Bt san diego mới giết được, trong lúc các côn trùng khác vô hại. Vì vậy, mặc dầu nói chung là cây hoa màu chuyển gen Bt, sự thật Bt trên cây rau cải khác với Bt trên cây bắp hay bông vải, và chỉ nhằm giết côn trùng chánh của loại hoa màu đó mà thôi. Vì đã được lựa chọn và sàng sẩy, nên dòng sinh lý Bt xử dụng trong chuyển gen vào cây hoa màu không độc hại cho các loại côn trùng hữu ích như ong, bướm.
Còn bảo xử dụng cây hoa màu GMO Bt có hại cho sức khỏe, như nhóm thực phẩm hữu cơ tuyên bố, thì họ lại quên hay không biết là họ ăn trực tiếp vi khuẩn Bacillus thuringiensis trong thực phẩm (trên lá rau, trái, v.v. ) được xịt thuốc diệt côn trùng sinh học (bio-insecticide) làm từ vi khuẩn này. Còn lý luận cho rằng cây hoa màu GMO Bt tự sản xuất thuốc diệt trùng, như vậy là độc hại cho con người. Đúng vậy, cây GMO hay cây không-GMO như cây thực phẩm hữu cơ đều tự sản xuất thuốc sát trùng tức độc tố (đọc lại 2, trên) để tự bảo vệ. Như vậy có khác biệt gì giữa cây thực phẩm hữu cơ và cây thực phẩm GMO trên phương diện này.
Một lợi ích quan trọng của việc canh tác cây hoa màu chuyển-gen Bt là giảm việc xử dụng thuốc diệt côn trùng, và như vậy giảm được ô nhiễm môi trường. Một nghiên cứu cho biết trong thời gian 1996 – 2005, tổng số chất thuốc căn bản để biến chế thuốc diệt côn trùng giảm 35,6 triệu kg vì nhờ canh tác bắp Bt và bông vải GMO Bt. Một nghiên cứu khác cho biết việc trồng bông vải Bt ở 6 tỉnh Trung quốc giảm nửa số lượng thuốc diệt côn trùng, đồng thời gia tăng côn trùng hữu ích gấp đôi, bởi nhờ môi trường ít ô nhiễm. Nước sông trong đồng bằng Cửu Long Việt Nam bị ô nhiễm vì thuốc diệt côn trùng được xử dụng trong canh tác lúa. Nếu các giống lúa Việt Nam có chuyển gen Bt, nước sông, ruộng ít ô nhiễm, như vậy sẽ có lợi cho sức khỏe con người và tôm cá.
4. Cây hoa màu GMO kháng thuốc diệt cỏ glyphosate (Roundup) có an toàn cho sức khỏe không?
Trong xếp hạng độ độc với người, hạng I là độc nhất, và hạng IV là ít độc nhất, thì Glyphosate xếp hạng III.
Glyphosate là thuốc diệt cỏ lưu dẫn (lưu chuyển trong mạch nhựa cây) và toàn diện (giết mọi loại cây). Khi xịt lên cây, glyphosate ngăn cản cây tổng hợp enzyme EPSPS, chất này cần thiết để cây tổng hợp thành các amino acids như phenyalanine, tyrosine và tryptophan cần thiết cho cây sinh trưởng. Glyphosate không độc cho giới động vật, nó giết mọi thực vật, kể cả cây hoa màu. Tuy nhiên, cây hoa màu chuyển gen AroA của vi khuẩn Salmonella typhimurium, hay gen CP4 EPSPS của vi khuẩn Agrobacterium thì trở nên kháng thuốc diệt cỏ glyphosate. Như vậy, chỉ có cỏ dại và các loại cây hoa màu khác bị chết, ngoại trừ cây hoa màu GMO. Phun thuốc diệt cỏ thường được thực hiện khi cây hoa màu còn nhỏ, lúc đang cạnh tranh với cỏ dại, tức là một thời gian rất lâu trước khi cây hoa màu ra hoa kết trái. Trong thời gian dài này, thuốc diệt cỏ còn dính trên cây hoa màu bị trôi vì mưa, bị hủy hoại bởi ánh sáng và vi sinh vật. Hơn nữa, con người tiêu thụ hột được bảo vệ bên trong lớp vỏ (chẳng hạn như hạt bắp bên trong lớp vỏ bao, hay gạo bên trong lớp trấu), nên rất an toàn.
Đúng ra, xử dụng cây hoa màu chuyển gen Roudup Ready như đậu nành, bắp và bông vải có lợi cho môi trường hơn xử dụng các loại diệt cỏ khác.
5. Cây hoa màu GMO bt và kháng thuốc diệt cỏ glyphosate gây bệnh ung thư và nhiều loại bịnh khác?
Trước khi phóng thích một giống mới ra thị trường, bất cứ công ty uy tín nào cũng đã phải thử nghiệm độ an toàn bảo đảm cho sức khỏe người tiêu thụ, để tránh bị đưa ra tòa bồi thường thiệt hại, và nhất là mất uy tín của công ty nếu có chuyện phản ứng phụ (side effect) xảy ra sau này. Sau khi thử nghiệm của công ty, các cơ quan an toàn của chính phủ cũng thử nghiệm lại lần nữa trước khi cho phép sản phẩm tung ra thị trường. Vì vậy, giống lai cổ điển hay giống chuyển gen đều có độ an toàn sức khỏe rất cao.
Năm 2012, Hiệp Hội Khoa Học Thâm Cứu Hoa Kỳ phán xét “Thực phẩm chứa GMO không có nguy hiểm, nó không khác gì thực phẩm do lai tạo cổ truyền”. Còn Hiệp Hội Y Học Hoa Kỳ, Hàn Lâm Viện Khoa Học Quốc Gia, và Hiệp Hội Y Học Hoàng Gia (Anh) xác định không có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe khi tiêu thụ GMO. Ủy Ban Nghiên Cứu và Canh Tân Khoa Học thuộc Cộng Đồng Châu Âu trong tường trình năm 2010 “Từ 130 nghiên cứu gồm hơn 500 nhóm nghiên cứu độc lập tham gia trong 25 năm cho đến nay ta có thể kết luận rằng kỹ thuật sinh học mới, đặc biệt là GMO, không có tác hại gì xấu hơn kỹ thuật lai tạo cổ truyền”.
Như đã nói ở phần 6, thí nghiệm của Gilles-Éric Séralini thuộc Đại Học Caen, Pháp cho rằng GMO gây bệnh ung thư ở chuột đã bị các nhà khoa học chân chính khắp thế giới phản biện là thiết kế nghiên cứu cố tình cho kết quả tác hại, chứ không phải thiết kế nghiên cứu khoa học chân chính.
6. Vấn đề dị ứng
Thực phẩm chuyển gen có thể gây dị ứng cho một số người dễ cảm nhiễm dị ứng. Điều quan ngại này đúng. Tuy nhiên cần nhớ rằng các cây hoa màu tự nhiên (giống hoang dại) hay được lai tạo cổ truyền còn mang nhiều gen dị ứng hơn. Sản phẩm gây dị ứng ở người là do gen AS-Albumin hiện diện ở nhiều loại cây (như đậu phộng, Brazil nut, v.v.) và động vật (như một số loài cá, tôm, cua, sò, v.v.), có người ăn bị dị ứng (nổi mề đay), có người không. Gen dị ứng AS-Albumin này nay đã được xác định rõ trong hệ-gen, nên trong cây hoa màu chuyển gen, các nhà khoa học đã tìm cách hoặc không chuyển vào cây mới hoặc làm vô hiệu gen này đã có sẳn trong hệ gen cây tuyển chọn. Chẳng hạn trước đây các nhà khoa học định cải thiện đậu nành giàu chất dinh dưỡng để nuôi gia súc đã chuyển gen của Brazil nut vào hệ gen đậu nành, nhưng sau đó đã khám phá thấy sự hiện diện của gen dị ứng này ở giống đậu nành, giống này được hủy bỏ.
Tương tự như vậy, năm 2005 Úc Đại Lợi tạo được đậu pea chuyển gen kháng côn trùng để làm đồng cỏ cho bò, nhưng sau đó khi thử nghiệm thấy có dị ứng trên chuột, nên giống này bị hủy bỏ.
Các nhà khoa học Nhật tìm cách tạo giống lúa không chứa gen gây dị ứng, bằng cách làm vô hiệu gen AS-Albumin trong hệ gen của lúa.
Tóm lại, kỹ thuật biến đổi gen giúp cây hoa màu giảm thiểu hiện tượng dị ứng mà thường có trong cây hoa màu cổ truyền. Chẳng hạn, các giống đậu nành chuyển gen ngày nay không còn chứa gen dị ứng. Ngoài ra, nhiều người bị “sốt do hạt phấn” (hay fever) vì hít thở phải hạt phấn của giống cỏ ryegrass có chứa gen dị ứng. Ngày nay, đã có giống cỏ mới ryegrass chuyển-gen mà hạt phấn không còn gây sốt hạt phấn nữa.
7. Con người sẽ kháng thuốc trụ sinh khi ăn thực-phẩm-chuyển-gen?
Một số người chống đối GMO lập luận rằng việc chuyển gen lấy từ vi khuẩn hay virus-kháng-thuốc-trụ-sinh để chuyển vào cây hoa màu sẽ tạo người tiêu thụ cũng đề kháng thuốc trụ sinh. Một thí nghiệm trên con người chỉ ăn thực phẩm đậu-nành-chuyển-gen, mục đích để xem gen-kháng-thuốc-trụ-sinh có chuyền vào hệ gen của vi khuẩn tự nhiên sống trong bao tử người hay không. Kết quả cho biết là không có thấy việc chuyển-gen-kháng-thuốc-trụ-sinh ở các vi khuẩn trong bộ tiêu hóa, bởi vì các gen này đã bị chết và tiêu hủy trong lúc tiêu hóa.
Tuy nhiên để tránh việc chuyển gen đến vi khuẩn hiện diện trong cơ thể, các nhà khoa học ngày nay xử dụng gen đánh dấu lấy từ những vi khuẫn hay virus chưa đề kháng thuốc trụ sinh.
8. Cây chuyển gen kháng thuốc diệt cỏ và vấn đề siêu cỏ dại. Khi canh tác giống hoa màu chuyển gen kháng thuốc Glyphosate, nông dân cũng phải xử dụng thuốc diệt cỏ Glyphosate để diệt cỏ dại đang cạnh tranh với cây hoa màu, chứ xử dụng thuốc diệt cỏ khác thì cây hoa màu kháng Glyphosate cũng bị chết cùng với cỏ dại. Như vậy, theo thời gian cỏ dại cũng sẽ đề kháng với glyphosate. Điều này đã xảy ra. Chẳng hạn cỏ đuôi ngựa (horseweed, Conyza canadensis) đã đề kháng thuốc diệt cỏ Glyphosate, vã đã lan tràn tới 20 tiểu bang khác ở Hoa Kỳ, ở Brazil và Canada. Ngoài ra, tường trình cũng cho thấy cỏ ragweed (Ambrosia artemisiifolia), cỏ rau dền (Amaranthus palmeri) và cỏ Johnson (Sorghum halepense) cũng đã kháng thuốc glyphosate. Đây là một cuộc chiến không bao giờ chấm dứt với cỏ dại, không phải chỉ với thuốc diệt cỏ glyphosate mà với bất cứ loại thuốc nào nếu cứ xử dụng mải một loại thuốc từ năm này sang năm khác.
Để chống lại khuynh hướng đề kháng của một loại thuốc, các nhà khoa học đã thành công tạo giống chuyển gen đề kháng cùng lúc với 2 hay hơn 2 loại thuốc diệt cỏ. Chẳng hạng, giống cây hoa màu chuyển gen có sức đề kháng Glyphosate (lấy gen từ vi khuẩn Salmonella typhimurium hay Agrobacterium), 2-4 D (lấy gen của vi khuẩn Ralstonia eutropha) và Dicamba (lấy từ gen của vi khuẩn Stenotrophonomas maltophila), nghĩa là nếu cánh đồng có loại cỏ kháng thuốc Glyphosate thì nông dân có thể xử dụng 2-4 D hay Dicamba, cỏ dại chết nhưng cây hoa màu chuyển gen vẫn tươi tốt.
Dĩ nhiên, trong tương lai, để sinh tồn cỏ dại cũng sẽ chuyển biến hệ-gen để kháng cự lại các loại thuốc diệt cỏ này. Và để tiêu diệt loại cỏ đề kháng mạnh hơn, con người cũng sẽ tạo ra những loại thuốc diệt cỏ mới, những loại hoa mầu đề kháng mới, nhưng không có ai toàn thắng. Cuộc chiến không bao giờ chấm dứt.
Các người chủ trương “thực phẩm hữu cơ” đề nghị thay thế thuốc diệt cỏ hóa học bằng “thuốc diệt cỏ hữu cơ”. Đó là xử dụng “bả bắp hột” (corn gluten meal bón vào đất ngăn cản hạt cỏ nảy mầm), tưới hay phun “dấm nồng độ 5-25%” tức acetic acid, tưới “nước nóng” thẳng vào cỏ dại, tưới nước muối, dùng máy phun lửa đốt chết cỏ dại, dùng “dầu gia vị” như eugenol, clove oil, dầu chanh d-limonene. Ngoài việc không thể áp dụng thực tiễn cho sản xuất nông nghiệp quy mô, rất đắc tiền mà lại không hữu hiệu so với thuốc diệt cỏ tổng hợp hóa học, thuốc diệt cỏ hữu cơ cũng không an toàn (nước sôi, lửa, acetic acid nồng độ cao) và làm hủy hoại môi trường (ảnh hưởng muối, dấm, giết động vật hữu ích trong đất như trùn).
9. Vấn đề lan nhiễm phấn hoa làm hủy hoại giống bản địa, và giống cổ truyền?
Điều quan tâm này là đúng. Tuy nhiên, cần biết rằng việc thụ phấn chéo dễ dàng với dòng cùng loài (như lúa IR8 x lúa Chệt Cụt), tương đối khó hơn giữa hai loài (species) bà con thật gần cùng trong một giống (genus). Việc lai phấn trong thiên nhiên cũng xảy ra, tuy rất ít, giữa các loài bà con xa, như đã xảy ra để cho giống lúa mì từ lai phấn tự nhiên giữa Triticum và Aegilops. Còn việc lai tự do giữa 2 giống xa lạ như giữa lúa mì (Triticum) và lúa Á châu (Oryza) thì không xảy ra trong thiên nhiên. Ngay cả việc lai tạo giữa lúa Á Châu (Oryza sativa) và lúa Phi Châu (Oryza glaberrima) cũng rất khó khăn, ngoại trừ có sự can thiệp của nhà lai tạo.
Một yếu tố khác là tuổi thọ của hạt phấn rất ngắn ngủi. Nếu hột bắp có thể sống hàng năm trong điều kiện thiên nhiên (ẩm độ không khí 60-80%, nhiệt độ 20-35ºC) thì trong điều kiện này hạt phấn của bắp không thể sống quá tới một giờ đồng hồ, vì vậy không thể di chuyển theo gió đi xa mà còn sống để thụ tinh.
Trong một nghiên cứu kéo dài 10 năm ở Anh cho thấy các giống bà con gần với cây dầu-cải (oilseed rape, Brassica napus) như cỏ dại Sinapis arvensis mọc gần các lô canh tác dầu-cải chuyển-gen kháng thuốc diệt cỏ không thấy có mang gen kháng thuốc diệt cỏ.
Tuy nhiên, để tránh việc thụ phấn chéo có thể xảy ra, luật lệ quy định là giữa khu vực canh tác giống chuyển gen và giống cổ điển phải có một vùng đệm rộng vài cây số để phấn hoa không thể bay qua.
10. Năng xuất không gia tăng nhiều như mong muốn
Các người chống đối GMO lý luận rằng năng xuất cây hoa màu biến-đổi-gen canh tác ở Hoa Kỳ cũng vẫn không gia tăng nhiều, trong lúc vẫn phải gia tăng xử dụng nhiều phân bón, hóa chất diệt cỏ hay diệt côn trùng.
Chẳng hạn bảng tóm lược dựa vào các bài nghiên cứu khoa học do Hiệp Hội các nhà khoa học đúc kết năm 2009 cho thấy năng xuất hai hoa màu-chuyển-gen kháng-thuốc-diệt-cỏ quan trọng nhất ở Hoa Kỳ là đậu nành và bắp có gia tăng năng xuất nhưng không đáng kể, còn giống bắp-chuyển-gen-Bt chỉ gia tăng năng xuất 3-4%.
Tuy nhiên, một đúc kết khác do CropLife International tường trình năm 2010, thì ở các quốc gia đã phát triển năng xuất hoa-màu-chuyển-gen tăng 6%, trong lúc ở các nước đang phát triển năng xuất tăng 29%. Điều đó thật dễ hiểu, bởi vì ở các nước tân tiến nông dân đã xử dụng tối ưu các điều kiện tăng năng xuất như phân bón, tưới nước, bảo vệ mùa màng, v.v. nên chỉ còn phần đóng góp di truyền của hạt giống mà thôi. Trong khi đó, ở các nước đang phát triển, tăng năng xuất còn ở giai đoạn “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, nên chỉ việc thay đổi di truyền của giống cũng làm gia tăng năng xuất đáng kể.
Ở các nước tân tiến, dầu năng xuất không gia tăng nhiều, nhưng nhờ canh tác cây hoa-màu-chuyển-gen, việc cày xới đất giảm 25-58% khi canh tác giống-kháng-thuốc-diệt-cỏ, giảm xử dụng thuốc diệt côn trùng 14-76% khi canh tác giống-chuyển-gen-Bt, nhờ vậy lợi tức có thể gia tăng tới 72%. Một kết quả lý thú khác là canh tác bắp chuyển-gen-Bt không những làm gia tăng năng xuất của giống chuyển-gen này mà còn làm gia tăng năng xuất của giống bắp thông thường (không chuyển gen). Lý do là sâu-đục-bắp bị chết ở cánh đồng bắp chuyển-gen-Bt nên không còn bướm bay đến cánh đồng bắp thông thường để sinh đẻ ra sâu phá hại.
11. Cây hoa màu-chuyển-gen phá hủy đa-dạng-sinh-học?
Kết tội như vậy thật là oan cho cho cây hoa màu-chuyển-gen. Sự thật, chính lề lối canh tác độc canh (chỉ trồng một loại hoa màu), nhất là chuyên canh một giống hoa màu cao năng hay có phẩm chất cao cho mục tiêu xuất cảng trên diện tích lớn mới phá hủy đa-dạng-sinh-học. Chẳng hạn việc canh tác các giống lúa Thần Nông ở các thập niên trước đây, hay các giống lúa thương hiệu nhằm mục tiêu xuất cảng đã làm các giống cổ truyền ở mỗi địa phương bị tuyệt chủng. Ngân hàng hạt giống (seed genebank) là giải pháp tồn trữ hạt giống, chống xoi mòn di truyền cho các giống canh tác hay hoang dại.
Ngược lại, chính nhờ cây hoa màu-chuyển-gen-Bt mà các loại côn trùng hữu ích như ong bướm và chim chóc được sinh sản nhiều hơn.
Những nghiên cứu khác cho biết không thấy có sự giảm sút số lượng và hoạt động của trùn đất và vi sinh vật sống trong đất trong cánh đồng trồng cây hoa màu chuyển-gen-Bt.
Nghiên cứu khác cho biết số lượng chim ăn hạt có bị suy giảm, bởi vì các loại cỏ cho hạt làm thức ăn của chim bị tiêu diệt bởi thuốc diệt cỏ chứ không phải bởi cây hoa màu-chuyển-gen-kháng-thuốc-diệt-cỏ.
12. Gia tăng loại côn trùng thứ cấp trở nên độc hại hơn?
Các nghiên cứu mới đây cho biết các loại côn trùng thứ cấp trước kia ít xuất hiện, nhưng từ khi có canh tác cây hoa màu chuyển-gen-Bt thì côn trùng phá hại chính không còn xuất hiện nữa, nhưng các loại côn trùng thứ cấp nay trở thành phá hại chính. Chẳng hạn, một nhận xét ở Trung quốc là sau vài năm canh tác bông vải chuyển-gen-Bt thì không còn sâu đục phá trái, nhưng bọ xít lại xuất hiện nhiều, thành thử cũng phải xịt thuốc trừ côn trùng. Vì vậy, các nhà khoa học tiếp tục cải thiện bằng cách chuyển nhiều gen Bt kháng nhiều loại côn trùng.
13. Không dùng làm giống cho mùa sau.
Các nhà chống đối ở các nước đang phát triển cho rằng xử dụng lại hạt giống của mùa thu hoạch trước để làm giống cho mùa sau thì chỉ sau một hai năm năng xuất giảm, không còn như xưa, vì vậy bắt buộc phải mua hạt giống mới từ công ty sản xuất cho mỗi mùa canh tác. Nhận xét này hoàn toàn đúng, không những cho giống-chuyển-gen, mà còn cho các giống lai (như bắp lai, lúa lai), hay các giống rặc cao năng (như IR) do lai tạo cổ truyền. Chẳng hạn, ở thập niên 1960s, 1970s, nông dân Việt Nam nhận xét là giống IR8 bị thoái hóa sau vài ba năm canh tác. Đó là điều hiển nhiên, vì ở các thế hệ sau hệ-gen đã biến đổi, một số gen đã mất ưu tính và trở lại liệt tính do sự phân ly, hay đột biến nên không còn giữ y nguyên như sau khi giống được cơ quan phóng thích.
Để tránh hiện tượng thoái hóa giống, ngày nay ở Việt Nam như các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, nơi sản xuất lớn để xuất cảng gạo, hàng năm nông dân đều phải mua hạt giống mới (như Công Ty Cổ Phần Bảo Vệ Thực Vật An Giang) để canh tác, chứ không còn giữ lúa mùa gặt trước để làm giống cho vụ sau như trước kia. Dĩ nhiên, giống phải được tuyển chọn bởi một công ty hay cơ quan có uy tín. Canh tác giống lai (như lúa lai, bắp lai) hay giống hoa màu chuyển-gen dĩ nhiên phải áp dụng nguyên tắc này mới có năng xuất cao.
KẾT LUẬN
Kỹ thuật biến-đổi-gen là một cuộc cách mạng khoa học đã và đang được áp dụng cho y học, dược học và nông nghiệp. Dĩ nhiên, trước một cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật táo bạo như sinh-vật-biến-đổi-gen, con người bao giờ cũng đặt nhiều nghi vấn, đem vấn đề lên bàn mổ để phân tích lợi hại. Đó là một tranh luận bình thường, lành mạnh trong các chế độ dân chủ. Cũng cần nhớ rằng bất cứ khám phá, phát minh khoa học nào cũng có hai mặt, tốt và xấu. Phát minh ra chất nổ thoạt tiên cho công trình đào núi lấp sông nhưng cũng tạo ra bom đạn giết người. Phát minh năng lượng nguyên tử để sản xuất điện nhưng cũng tạo bom hạch nhân. Ngành vi-trùng-học tạo ra các loại thuốc kháng sinh cứu người, nhưng đồng thời tạo bom-vi-trùng diệt thù địch hay mục tiêu khủng bố. Ngày nay, cuộc cách mạng vi tính mang lại bao lợi ích, nhưng đồng thời nảy sinh nạn tin tặc (hackers) đánh phá, ăn cắp tiền ngân hàng hay tài liệu mật. Khoa học biến-đổi-gen cũng sẽ không thoát quy luật này, nếu trong tay của người tốt nó sẽ phục vụ tốt cho nhân loại, nhưng trong tay của kẻ xấu nó có thể sẽ là khí cụ giết người: những thực phẩm độc hại giết người, những vi-khuẩn hay độc tố cho chiến tranh. Như vậy, nhiệm vụ của chính phủ, của cơ quan thẩm quyền liên quốc phải có luật lệ điều hành để tránh các lạm dụng khoa học.
Vì là một khoa học còn non trẻ, chỉ mới khoảng 20 năm nay, nên còn nhiều vấn đề cần khám phá và áp dụng. Hiện nay, các đại công ty như Monsanto, Du Pont, Syngenta, Dow Chemical, Bayer, v.v. chú trọng tạo các hoa màu-chuyển-gen-kháng thuốc diệt cỏ hay kháng côn trùng nhẳm mục đích phục vụ công ty như độc quyền thương mại cho các sản phẩm thuốc diệt cỏ (như Roundup, 2-4 D) hay thuốc diệt côn trùng, v.v. của công ty.
Âu Châu chống đối các sản phẩm GMO của Hoa Kỳ là nhằm bảo vệ nông sản và nông dân Âu Châu, chứ không phải chống khoa học GMO. Bằng chứng là các chính phủ ở Âu Châu, nhất là Anh, đã đầu tư rất nhiều tiền bạc vào các đại học và cơ quan nghiên cứu cho các dự án GMO.
Mỗi quốc gia cũng đều có những chương trình GMO riêng của mỗi nước, nhằm mục đích phục vụ trước nhất cho đất nước họ. Trung quốc là nước Á Châu đầu tư nhiều về GMO và đã áp dụng nhiều sản phẩm cây hoa màu-chuyển-gen. Ấn Độ đầu tiên đạt nhiều thành quả lớn, nhưng bị khựng lại vì sự chống đối của một số nhà môi sinh, và sẽ bị tụt hậu nếu không mạnh dạn tiếp tục.
Dân số thế giới gia tăng nhanh, trong lúc diện tích canh tác bị giảm, nguồn nước bị hạn chế và ô nhiễm, đất canh tác bị sa mạc hóa, bị nhiễm mặn, v.v. Năng xuất cây hoa màu phải gia tăng, nếu không chắc chắn sẽ có nạn đói khủng khiếp trong tương lại, kéo theo bất ổn xã hội và chiến tranh.
Chỉ có giải pháp GMO mới có thể làm gia tăng năng xuất hoa màu nhằm đáp ứng nhu cầu sống hạnh phúc của nhân loại.
Việt Nam vì vậy phải dấn thân mạnh vào khoa học mới mẻ này. Con đường nghiên cứu còn bao la rộng mở dành cho các nhà khoa học Việt Nam: biến lúa C3 thành C4 (đọc bài “Cuộc cách mạng xanh thứ hai cho Lúa – Trần-Đăng Hồng”), chuyển gen định đạm nif (N2-fixation genes) cọng sinh Rhizobium của họ Đậu vào cây hoa màu để tiết kiệm bón phân đạm, chuyển gen của cây dương (phi lao, Casuriana equisetifolia) vào cây ăn trái để cọng sinh với vi khuẩn định đạm Frankia; chuyển gen của bèo hoa dâu Azolla vào hệ-gen cây lúa để cây lúa có thể cọng sinh với vi khuẩn cyanobacterium Anabaena azollae tạo phân đạm cho lúa, chuyển gen của các loại cỏ năng (Eleocharis dulcis) để lúa có thể canh tác trên vùng đất phèn nặng. Ngoài ra, chuyển gen kháng sâu đục thân, kháng rầy nâu là hai côn trùng chánh phá hại lúa ở Đồng bằng Cửu Long. Chuyển gen lúa thơm cho mục tiêu xuất cảng gạo thương hiệu cũng rất cần thiết mới có thể cạnh tranh với gạo Thái Lan. Hậu quả của hiện tượng hâm nóng toàn cầu lên đồng bằng Cửu Long là gia tăng diện tích đất nhiểm mặn, hạn hán trong mùa khô, và ngập lụt trong mùa mưa lũ. Ngày nay, điều-hòa phiên-mã (transcription factor) DREBIA tìm thấy ở cỏ họ cải Arabidopsis thaliana chứa gen kháng hạn, kháng nước mặn có thể dễ dàng chuyển vào các cây hoa màu Việt Nam cho vùng nhiễm mặn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÁNH
1. Michael Eisen. 2012. The anti-GMO campaign’s dangerous war on science. http://www.michaeleisen.org/blog/?p=1082
2. EU sides with Monsanto in 'GMO Cancer Corn word war. http://rt.com/news/corn-study-gm-french-711/
3. Leo Cendrowicz. 2010. Is Europe Finally Ready for Genetically Modified Foods? http://www.time.com/time/business/article/0,8599,1970471,00.html
4. Wikipedia. Genetically modified food controversies.
http://en.wikipedia.org/wiki/Genetically_modified_food_controversies
Reading, 2/2013
Trần-Đăng Hồng, PhD
Mời đọc:
Phần I. Tuyển chọn bởi thiên nhiên
Phần II. Đại cương di-truyền học
Phần III. Tuyển chọn bởi con người
Phần IV. Lai-tạo DNA hay Kỹ Thuật Chuyển Gen
Phần V. Cây hoa màu biến-đổi-gen
Phần VI. Chống đối sinh-vật biến-đổi-gen
Phần VII. Tranh luận sinh-vật biến-đổi-gen |