Bài viết này của tác giả JAMES D. HOLLAND đăng trên TẠP CHÍ ARTS OF ASIA (March – April - 1972), tôi đăng lại để tưởng nhớ bác Vương Hồng Sển với nguyện vọng biến ngôi nhà cổ Vân Đường phủ là khu lưu niệm nhưng bất thành. Chính nơi đây, bây giờ do đám chủ nợ đang làm mưa làm gió tự xây cất, đập phá, biến ngôi nhà cổ trở thành khu ăn ở, kinh doanh đã và đang BIẾN DI TÍCH NGÔI NHÀ CỔ VÂN ĐƯỜNG PHỦ, YÊN BÌNH TRỞ THÀNH PHẾ TÍCH ỒN ÀO, HỖN TẠP....
*****
NGÔI NHÀ ÔNG SỂN...
Ngày nay, Sài Gòn là một đô thị náo nhiệt, ồn ào, chật chội với hơn 3 triệu dân (tính đến 1972). Hàng ngàn xe cyclos, xe gắn máy và xe hơi làm không khí biến thành màu xanh vì hơi khói nhả ra, và gây ra tiếng động nhức óc. Khi ngôi nhà ông Sển được xây dựng, nơi nầy không phải như thế, chỉ có khoảng 40.000 người sống ở đây. Xe đạp, xe kéo và xe thổ mộ lặng lẽ qua các đường phố và giọng rao bán hàng rong tạo ra một bản hòa tấu thật Á Đông.
Đi thăm ngôi nhà ông Sển ngày nay là trở lại thăm những ngày thú vị và yên bình của thế kỷ trước. Ngôi nhà này là một thí dụ đẹp đẽ của nền kiến trúc cổ truyên Việt Nam, được xây dựng trong làng Phú Xuân, dưới đời vua Tự Đức (1848 – 1883). Chính ông Sển được sinh ra ở đây vào đầu thế kỷ này và chính ở đây, trong vùng châu thổ phì nhiêu của sông Cửu Long, ông Sển đã hấp thụ từ thân phụ và ông nội một sự chiêm ngưỡng về mỹ thuật và văn hóa Việt Nam. Cũng chính ở đây ông bắt đầu thu thập đồ cổ truyền Việt Nam mà ngày nay trị giá hơn 1 triệu đô la,
Ngôi nhà ông Sển bị hư hại vì bom trong thế chiến thứ hai và vì kiến trúc từng phần theo lối Việt nam, nên ta có thể tháo gỡ nó và dùng ghe di chuyển đi một đoạn đường dài 75 dặm đường sông và kênh rạch đến vị trí hiện nay. Khoảng 4 năm sau, ngôi nhà được tái thiết hoàn toàn và trông giống như ngôi nhà hồi thế kỷ trước. Rừng ở Việt Nam cho gỗ xây dựng nhà ông Sển gồm gỗ đỏ (mahogany và rosewood) và sao (sandalwood và redwood). Gỗ đỏ để làm cột và kèo, trong khi gỗ sao dùng làm rầm đỡ có chạm, ván ô (panô) và khung tròn. Đất đai ở Việt Nam thật lý tưởng để làm gạch ngói và điều này được chứng minh ở ngôi nhà ông Sển, nóc nhà được lớp ngói âm dương và sân lót gạch vuông và gạch lục giác.
Ngôi nhà ông Sển không thể thấy được từ ngoài đường lộ. Một hàng rào cao bao quanh chu vi ngôi nhà. Chúng tôi đi qua một khung cửa bằng gỗ nặng vào trong khu vườn xum xuê, đầy cây nhiệt đới. Các bờ rào cắt khéo chung đụng với tre, xoài và đu đủ. Một miếu nhỏ đứng giữa sân. Chỉ ở chỗ này, ta mới trông thấy toàn bộ ngôi nhà. Ngói mái nhà phản chiếu ánh sáng mặt trới và ta có thể trông thấy ba cửa đi vào đập mạnh vào mắt. Cửa chính giữa, hồi xưa được dành cho hoàng triều và người con trai trưởng, và vị này sử dụng cửa này chỉ vào ba dịp quan trọng trong đời ông ấy: sinh, kết hôn và chết. Qua cửa này mà Vương Hồng Sển đã được bồng qua khoảng 70 năm trước, và cũng ở cửa này mà ông đã đem người vợ, nổi danh với hàng triệu người Việt Nam là bà Năm Sa Đéc, một trong những nữ diễn viên tài hoa của đất nước đi qua cửa đó. Một ngày náo đó, ông Sển giải thích, ông sẽ làm một cuộc hành trình cuối cùng của đời ông qua các khung cửa đó.
Theo phong tục mà ngày nay hầu như đã bị lãng quên, lối vào phía trái (tả môn) được dành cho những người phụ nữ của gia đình, trong khi hữu môn được dành cho đàn ông và quí khách. Các cửa phụ ở cuối sảnh đường, chiếm cả bề rộng của căn nhà, được sử dụng trong đời sống hằng ngày. Ông Sển đã tháo gỡ mành mành, các cây cột bằng gỗ đỏ rộng 3cm, cách nhau khoảng 4cm và từ các rầm đỡ đến ngưỡng cửa. Các cây được gắn vào đế cũng bằng gỗ, được sử dụng như cửa để không khí và ánh sáng lọt qua. Chúng tôi đi qua hữu môn và lập tức có những cặp mắt của ngôi nhà trử trên các rầm đỡ, trên các lối vào phía trong dòm xuống. Theo truyền thống là một phần của ngôi nhà, các “con mắt” này được bổ túc bằng các “tai” cùng giữ cho ngôi nhà tránh mọi sự dữ. Các “tai” và “mắt” này, cũng như các mành cửa, được đặt vào các đế và có thể được tháo dỡ tùy theo địa vị của khách hay trong các dịp lễ.
Các lối vào bên trong cũng như bên ngoài, gồm 3 khung vòng cung. Ở đây ngưỡng cửa được nâng lên cao 50cm và rầm hạ thấp làm cho chúng tôi phải cúi xuống khi đi vào và điều này cũng đúng vì đối diện là bàn thờ gia tiên. Phần giữa của từ đường chính có một chiếc bàn bằng gỗ sao, hai bên là hai trường kỷ có lưng dựa cao, tất cả đều được sưu tầm từ các vật dụng trong gia đình của Vua Hàm Nghi (1883 -1888). Các trường kỷ này cũng dùng để ngăn từ đường thành ba phần chính. Trên bàn có để một bức điêu khắc khác thường, hình đầu của Hoàng tử Sĩ Đạt (vào khoảng 1800), làm bằng đá cẩm thạch Miến Điện. Tượng được khắc theo trắc diện, bức tượng này là một trong những hình đức Phật trước khi nhập Niết bàn.
Sản xuất đồ gốm ở Việt Nam có từ xưa. Nhiều món đồ cổ đã được tìm thấy ở Việt Nam, nhất là ở gần Huế, và khi đào các con kênh dẫn nước, chằng chịt trong vùng châu thổ sông Cửu Long ở Nam Việt. Màu xanh sáng của các món đồ gốm Việt Nam khác xa màu xanh của đồ gốm Trung Quốc. Tục truyền rằng các chén, dĩa đã được các thợ đò gốm Việt Nam làm ra từ đời vua Triệu Vũ Đế (207 – 137 trước Công nguyên). Trong ngôi nhà ông Sển có những vật thuộc về đồ mỹ thuật này. Trên bàn đồ gỗ đỏ này, cẩn bằng đá cẩm thạch Việt Nam, ở chính giữa có bày một thố lớn (cao 30,5cm và đường kính 36cm) được chế tạo từ đầu triều Minh (thế kỷ thứ 14) thố này có kiểu bông đẹp màu xanh nhạt và vàng trên nền trắng. Thố này của vua Gia Long, thế tổ triều Nguyễn (1802 – 1945). Vì có cuộc nổi dậy của Tây Sơn nhà vua mang các thố này theo vào Nam. Ông Sển mua lại chiếc thố nay ở Sa Đéc nơi vua Gia Long đã trốn ở đây. Cũng vậy, tọa lạc giữa hữu môn và tả môn các độc bình lớn (cao 80,5cm) từ thời Minh Mạng (1820 – 1840) khởi thủy từ cố đô Huế, ông Sển đã mua được từ bên Lào.
Khi chúng tôi đi qua hữu môn của ngôi nhà, ông Sển chỉ cho thấy một vài món đồ khác thường trong bộ sưu tập ấm đun trà, một tặng vật của Hoàng đế Louis Napoléon (Napoléon Đệ Tam) tặng vua Tự Đức; một bộ truyện Ngàn lẽ một đêm gồm 8 quyển, trình bày bằng tay, màu phấn và đóng bìa hồ cứng. Tại cánh hữu này, có căn phòng thông thường theo tục lệ được dành cho những người hầu thiếp sủng ái nhất của chủ nhân. Trong phòng là một thí dụ tuyệt tác về nghệ thuật chạm gỗ và điêu khắc đá – một giường hút thuốc phiên bằng gỗ đỏ cẩn cẩm thạch (192cm x 122cm), có từ thời vua Thành Thái (1889 – 1907), chế tạo ở tỉnh Hồ Nam bên Trung Quốc, và được ông Sển mua lại của một người Tàu ở Chợ Lớn. Các hình chạm trổ ở lưng và hai cạnh bên ca ngợi sáu cái tài của một người đàn ông thời đó: chơi nhạc, làm thơ, chơi cờ, múa gươm, uống rượu và làm tình. Ít nhứt có bốn điều cũng thường gặp ở người đàn ông này.
Cũng trong phòng này còn có một chiếc bàn gỗ đỏ, mặt trên cẩn đá cẩm thạch. Ông Sển mua lại ở Chợ Lơn và bàn này xuất phát từ Hoàng cung của Từ Hi Thái Hậu (1835 -1903). Trên bàn có một cái bình lớn (cao 68cm, đường kính 50cm) màu xanh đậm từ thời Đại Tống (1451 -1457) triều Minh. Một tủ hai cánh bằng gỗ đỏ và do thợ Việt Nam chế tạo chứa vô số các báu vật. Một trong những báu vật là chiếc nón của một quan lại trong triều đình vua Gia Long (1802 – 1820) được chế tạo bằng tóc, thuở xưa chiếc nón này có nạm đá quý và ông Sển đã thay bằng các đá khác ít quý hơn, các đá quý nguyên thủy đã bị lấy mất trước khi ông Sển mua lại. Đi đôi với chiếc nón này là một bức tượng bằng ngà voi khắc hình một quan lại Việt Nam từ thời Càn Long (1736 -1795) triều Thanh.
Đây cũng là một thí dụ nữa về nghệ thuật đồ gốm Việt Nam, chiếc trầm hương này có lẽ xuất phát từ một ngôi chùa ngoài Bắc bị cháy vào giữa thế kỷ 15. Ông Vương Hồng Sển đã tìm thấy nó ở Bát Tràng thuộc Bắc Việt.
Kết thúc các cánh cửa bên hữu môn của ngôi nhà ông Sển là thư phong của ông. Ở đây, trên cái bàn đọc sách có một cặp chắn sách bằng đá theo kiểu đầu nổi thấp từ thời Vương quốc Champa cổ xưa (thế kỷ thứ 10). Ông Sển đã tìm thấy chúng gần Nha Trang trong một ngôi đền Chăm đổ nát. Trong chiếc tủ 2 cánh, cũng do thợ Việt Nam chế tạo có những chén, đĩa, bình rượu, ấm trà thời Minh và Thanh – những đồ bằng ngọc bích chạm thành tách, bình trà, khóa dây nịch, bông tai, bút lông và bình mực thầy đồ. Ở đây cũng là một bộ sưu tập ngọc bích thời tiền Lý và Trần (thể kỷ 13 và 15). Có một lối đi băng qua hông nhà ngó ra sân trong, từ đó ta có thể thấy nhà bếp và khu nhà của đầy tớ. Cuối đường là lối vào tả môn tức khu ở của đàn bà. Nếu như các bức chạm khung tròn và ván ô trong cánh hữu môn đều bằng tre cho đàn ông, thì ở đây ảnh hưởng hoa lá của phụ nữ rất rõ rệt. Là những khu vực cấm đàn ông, phu nhơn ở trong ngôi nhà này có thể tìm sự kín đáo ở đây, khi bà ta cần hay khi tức giận vì tính bất thường của đấng phu quân.
Ở phần đất này ta có thể thấy một bình trà lớn (cao 25cm) từ thòi Chúa Trịnh (1767 -1782) và là một trong những món ông Sển thích nhất. Bình vẽ con rồng 5 chân, tượng trưng cho Vua, con chim phượng hoàng cho Hoàng hậu, con dê một sừng cho Đông cung Thái Tử và con rùa cho vị Tể tướng. Đi theo món đò này là một cái tô lớn (đường kính 26cm) trong tình trạng hoàn hảo, và khi đánh mạnh vào, nó bật tiếng kêu nghe như chuông. Cũng dưới thời Chúa Trịnh và giống như bình trà, tô này có màu xanh lam Huế trên nền trắng. Cả hai món này ông Sển mua lại gần cố đô Huế. Trên đường nhỏ bên hông, chia phần tả môn và hữu môn của ngôi nhà, sau bàn thờ dòng họ có 2 chiếc tủ. Một chứa bộ sưu tập bình đựng cau với vôi, tất cả gồm hơn 50 cái. Tất cả các bình này đều bằng đất hay bằng sứ xuất phát từ thời Nguyễn (1802 -1840) rải rắc khắp nơi ở Việt Nam. Đối diện với cái tủ trên, cũng là một cái tủ tương tự và chứa các chén dùng để sửa soạn cau trước khi nhai. Chúng cũng được thu thập khắp nơi trên đất nước.
Trong khu vực này cũng có một món mà ông Sển thích nhất. Một cái dĩa đẹp (đưởng kính 29,5cm) xuất phát tử Hoàng cung vua Minh Mạng (1820 – 1840) được gọi là “kiểu chim” và cũng là màu lam Huế trên nền trắng. Đi kèm với chiếc dĩa là cái hộp cẩn ngọc trai lớn đủ để đựng cái dĩa này với những cái dĩa khác tương tự. Hộp này có viền bằng nhung đỏ, xuất phát dưới thời Minh Mạng và được ông Sển khám phá ở tỉnh Bắc Ninh, Bắc Việt.
Trà là một thực uống xưa nhất của con người. Nguồn gốc của nó đã lạc mất trong đám đò cổ. Các tài liệu của Trung Quốc đầu tiên đã đề cập đến trà và nghi thức uống trà đóng một vai trò quan trọng trong nhiều nền văn hóa Á Đông. Không giống Âu Châu, tách trà Á Châu không có quai và khởi thủy hình trái xoan chứ không phải tròn như gần đây. Trong bộ sưu tập của ông Sển có những chiếc chén trà hết sức tinh xảo. Một trong những chén xưa nhất do ông Sển tìm ra ở Sa Đéc có hình trái xoan và chạm từ sừng con tê giấc, và nối liền với một cái chén tương tự làm nền, ý nghĩa là sự phản chiếu khi cái chén trên nước. Thời điểm xuất hiện có lẽ đầu thế kỷ 17. Một cái chén bằng đất cũng hình trái xoan được tìm thấy trong châu thổ và được coi đã hơn 200 tuổi.
Sự chế tạo bộ đò uống trà đạt tới mức hoàn chỉnh ở bên Trung Quốc. Chúng được các triều vua Việt Nam đặt làm khi các sứ thần Việt Nam đi qua bên đó triều cống hàng năm. Có ba bộ trong số sưu tập của ông Sển cần được đề cập đế. Một do vua Gia Long đặt làm năm 1804 và gồm có ba cái chén nhỏ với một cách chén lớn, đặt trên dĩa. Kiểu vẽ hình 3 cây, tượng trưng cho 3 tướng quân, trong khi chén to hơn được chính nhà vua sử dụng trong nghi thức châm trà. Khi vua Gia Long bôn tẩu vào Sài Gòn, ngài ngự trong nhà một nông dân ở Sa Đéc. Sau này khi trở về Sài Gòn, nhà vua ban cho người tri ơn mình một chức trong triều, nhưng người đó từ chối và do vậy vua Gia Long trao tặng người này bộ đồ trà. Ông Sển đã mua lại bộ đồ trà này từ đám cháu của người nông dân đó vào những năm 1920.
Mỗi xứ ở Châu Á đều có tập tục uống trà hoặc uống rượu riêng. Phong tục Việt Nam bắt buộc rằng khi bốn bạn hữu gặp nhau họ phải cùng uống một chén rượu với nhau. Năm 1813 quan chánh phẩm Nguyễn Du đã đặt một bộ trà khác với phong tục, nhưng có dụng ý. Bộ trà này gồm 4 chén đặt trên một cái dĩa với 1 chén lớn hơn. Chén to dĩ nhiên là dành cho vua Gia Long, còn 4 chén nhỏ hơn tượng trưng quyền hành của nhà vua ban cho 4 vị tứ trụ của triều đình, đánh dấu một bước đi đặc sắc của thời đó.
Một nghi thức uống trà được dùng trong hôn lễ: chỉ có 2 chén lớn hơn bình thường làm chén rót. Theo phung tục, người mai mối sửa soạn và rót trà mời tân nương và tân giai nhân uống mừng với nhau. Trong số sưu tập của ông Sển có một bộ màu lam Huế và xuất phát từ thời vua Minh Mạng.
Tại sao chỉ có 3 người uống trà? Đầu tiên, bởi vì trà châm nhiều thì mất vị. Thứ hai là vì một trong 3 người, có một người sẽ luôn luôn là người trọng tuổi hay là khách quí. Theo phong tục thì chủ nhà không châm trà và rót mời. Công việc này dành cho người trọng tuổi hoặc khách quí, từ đó mới có câu rằng: “Vua là nô lệ cho trà”, bởi vì luôn luôn ngài là người châm và rót trà. Một giải thích thực tiễn hơn là hoàng đế sợ bị đầu độc! Có lẽ phong tục uống thú vị nhất của Việt Nam là có một người đẹp chuốc rượu!
Nền nghệ thuật Việt Nam mang ảnh hưởng nặng của Trung Quốc, tuy nhiên, có tính cách cá nhân khác lạ của một dân tộc đã chống sự đô hộ của ngoại bang trong suốt 15 thế kỷ. Khi sự di dân bắt đầu vượt quá thung lũng sông Hồng, qua Bắc kỳ rồi dọc theo miền duyên hải của Trung kỳ, nó đã xâm chiêm và tàn phá phần lớn vương quốc Chàm. Cũng còn thấy một vài di tích của nền văn hóa Chàm nhất là gần cố đô Huế, Đà Nẵng, Nha Trang trong miền duyên hải Trung phần. Miền Cao nguyên bị bỏ qua và ngày nay vẫn còn người Trung tiến lần vào Nam kỳ, họ được các người Khmer từ phía Tây gia nhập hàng ngũ, và ngày nay Việt Nam là một kết hợp của nhiều nguồn văn hóa mà mỗi nền văn hóa cho Việt Nam mối tinh túy riêng của nó.
Ông Sển bắt đàu thu thập đồ cổ ở Việt Nam từ năm 1927, khởi đầu từ Sa Đéc và Sóc Trăng trong Nam kỳ, rồi sau này ra Huế và vùng phụ cận của Trung kỳ, Bắc kỳ và Lào, Cambodge. Ông là một người trầm lặng, thông thái, dễ cảm. Ông mặc bộ đồ máu xám nhạt, quần dài cắt theo kiểu Việt Nam, bộ tóc trắng trùm lên khuôn mặt yêu nghê thuật. Ông rất nhậy cảm về ngôi nhà và các đồ vật trong đó. Mỗi một món đồ trong số hàng ngàn món do chính ông tự chọn lấy và ông có thể diễn giảng mỗi món mà không cần hồ sơ tài liệu. Ông từng là phó giám đốc Viện bảo tàng (Nam) Việt Nam tử 1947 đến 1954 và Giám đốc từ 1954 tới khi về hưu năm 1964. Ông cũng giữ chức chủ nhiệm bộ môn nghệ thuật tại trường Đại học Sài Gòn 1962 – 1963 và Đại học Huế 1964 đến 1968. Ông là một tác giả nổi tiếng của nhiều ấn bản bằng Việt ngữ và Pháp ngữ về mỹ thuật và các bộ sưu tập của ông là những bộ đầy đủ nhất ở Đông Nam Á.
Chúng tôi ngồi trong sân của trong ngôi nhà ông Sển uống trà bằng chén đời Minh – chúng tôi có 3 người. Bông súng nổi lên trên mặt hồ nước cao chính giữa sân. Mặt trời đang lặn và cơn gió mát làm lay động cành tre. Thật yên lành và bình yên, không có tiếng động nào phá tan sự tĩnh mịch. Ông Sển nói: “Phong tục cổ truyền ngày càng biến mất nhanh chóng. Tôi nhớ những phong tục đó, nhưng ở đây trong ngôi nhà của tôi, khi chạng vạng tối, tôi có thể suy nghĩ và hồi tưởng”.
Ngôi nhà của ông Sển đúng là như vậy. Chúng tôi gần nhú là có thể nhìn thấy những bóng ma quá khứ đang quì lạy trước bàn thờ trong khi người chủ nhà của ngôi nhà đang đón chào vua Tự Đức tới thăm thôn dã của ông.
JAMES D. HOLLAND
TẠP CHÍ ARTS OF ASIA (March – April – 1972)